Biên phòng - 300.000 tấn thanh long đang vào vụ thu hoạch và chưa có hướng đầu ra cụ thể khiến hàng ngàn nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã như ngồi trên đống lửa. Thanh long đang vào vụ thu hoạch, áp lực lớn nhất trong tháng 1-2022 là phải tiêu thụ được 120.000 tấn, trong khi Trung Quốc - thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của nước ta đã tạm dừng nhập khẩu thanh long từ cuối tháng 12-2021.

Lao đao vì cung nhiều hơn cầu
Thanh long được trồng ở 30 tỉnh, thành trong cả nước, nhưng trọng điểm là 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, với sản lượng chiếm hơn 80% cả nước. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm, trong đó, quý IV và quý I cho thu hoạch khoảng 60% sản lượng.
Tại Long An, người trồng đang chuẩn bị thu hoạch thanh long từ bây giờ đến Tết Nguyên đán, ước tính sản lượng khoảng 26.000 tấn. Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, chủ yếu thanh long được bán cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên, do dịch bệnh nên các đường biên gần như đóng cửa hoàn toàn. Thời điểm hiện tại, giá thanh long đang giảm, loại 1 chủ yếu để dùng xuất khẩu có giá 15.000 đồng/kg, loại 2 giá 10.000 đồng/kg và loại 3 chỉ có 5.000 đồng/kg.
Tương tự Long An, thủ phủ thanh long Bình Thuận cũng đang lao đao trước “sóng thị trường”. Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận thông tin, dự kiến, trong quý I năm 2022, có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Thực tế đáng buồn là hiện tại, các thương lái đang thu mua chậm, thậm chí, một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng/kg.
Theo người trồng thanh long, giá loại quả này nghịch vụ phải đạt trên 10.000 đồng/kg thì người trồng mới hòa vốn, còn giá 5.000 đồng/kg thì lỗ nặng. Hàng năm, người trồng thanh long đặt kỳ vọng rất lớn vào vụ Tết. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu thanh long qua các cửa khẩu, giá cả giảm sâu như hiện nay khiến hàng ngàn người trồng tại các vùng trọng điểm điêu đứng, bế tắc.
Ông Lê Văn Hải, một nông dân ở tỉnh Bình Thuận rầu rĩ cho biết: “Diện tích thanh long nghịch vụ của gia đình chúng tôi đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng vẫn phải cho neo trái để chờ giá lên. Nếu tình hình xuất khẩu khó khăn, tiêu thụ trong nước chậm như thế này thì chúng tôi chỉ còn nước đổ bỏ”. Hàng ngàn nông dân trồng thanh long khác ở các tỉnh Long An và Tiền Giang đang rất “đắng lòng” trước sự rớt giá của thanh long, cùng với nỗi lo thua lỗ nặng do không có thương lái để thu mua. Hàng ngàn tấn thanh long đang đứng trước nguy cơ bị bỏ hư hỏng trên cây.
Vận chuyển thanh long bằng đường biển
Trong khi vận chuyển thanh long bằng đường bộ để xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, phương án vận chuyển bằng đường biển đã được tính đến để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cho bà con nông dân. Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, bên phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển. Từ đó dẫn tới việc khó khăn trong xuất khẩu thanh long hiện nay do Trung Quốc thực hiện “Zero Covid”.
Ông Huy khuyến cáo các doanh nghiệp chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển. Bên cạnh đó, các đơn vị cần khắc phục vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng. Doanh nghiệp và người dân cần đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm của phía bạn đặt ra để xuất khẩu nông sản được thuận lợi.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ - công ty có 15 năm xử lý đóng gói xuất khẩu trái cây tươi vào EU, Mỹ, Australia..., nêu 2 vấn đề và giải pháp. Đó là mối nguy sinh học Covid-19 (điều kiện cần) và mối nguy về thiếu container rỗng cũng như chi phí vận chuyển (điều kiện đủ). Theo ông Thìn, giải pháp cần làm là sớm kích hoạt gấp thực hiện “Thực hành kiểm soát mối nguy sinh học, thực hiện 5K, bao tay, test nhanh lực lượng lao động trong chuỗi giá trị, test nhanh thành phẩm, bán thành phẩm với mục tiêu là không phát hiện virus trên thành phẩm hay vỏ thùng hàng”. Cùng với đó, cần mời gọi đội tàu charter lạnh/đông lạnh/(C.A). Mục đích là vừa phục vụ xuất khẩu đi các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng, vừa phục vụ thị trường nội địa khi cần thiết.
Tìm thị trường xuất khẩu đa dạng cho thanh long, ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan.
Để khai thác được thị trường Hà Lan, ông Nguyễn đề xuất cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đâu. Nhằm nâng cao sức tiêu thụ thanh long, ông Nguyễn gợi ý nên chế biến thanh long như sấy khô, chế biến thành tinh bột, hoặc cấp đông hoàn toàn.
Tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Trịnh đưa ra một số kiến nghị: Thứ nhất, đề nghị Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan chức năng bên phía Trung Quốc đảm bảo thực hiện đúng hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước để các hoạt động được diễn ra liên tục và ổn định. Nếu có thay đổi về chính sách, cần được thông báo ít nhất trước 15 ngày để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đàm phán với Hải quan Trung Quốc kí kết Nghị định thư về việc giảm tỉ lệ kiểm tra, kiểm dịch; xây dựng cơ chế kiểm tra, thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; đàm phán mở cửa thị trường; bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ông Trịnh đề nghị các tỉnh biên giới phía Bắc, xây dựng kho chuyên dụng bảo quản nông sản, mở trung tâm giao dịch gần cửa khẩu.
Chia sẻ với người trồng thanh long, bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market cho biết, bắt đầu từ ngày 7-1-2022 đến Tết Nguyên đán, MM Megar Market sẽ triển khai chương trình tiêu thụ sản phẩm thanh long từ các tỉnh miền Tây tại 21 trung tâm của MM trên toàn quốc, với mức giá bán không lợi nhuận. Thanh long sẽ được dành riêng một khu vực để trưng bày và được bố trí tại nơi có lưu lượng khách hàng nhiều nhất để tiêu thụ. Bên cạnh đó, triển khai chương trình “truck-sell“, bán hàng trên xe tải ngay trong khuôn viên MM để khách hàng dễ dàng tiếp cận.
An Nhiên