Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:23 GMT+7

Dựng lều học giữa non cao

Biên phòng - Nhà ở dưới thung sâu, mạng di động 3G, 4G đều bị núi cao chắn sóng nên không thể học online như các bạn ở những nơi có điều kiện. Quyết tâm không để việc học bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, một học sinh ở bản Tà Mên, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã dựng lều trên đỉnh núi để tiếp tục cuộc hành trình tri thức đầy gian nan trong mùa dịch.

8y1b_4a
Hồ Đức Thuận học trực tuyến trong chiếc lán nhỏ được dựng trên đỉnh đồi. Ảnh: Thành Phú

Tà Mên là một bản nhỏ của người dân tộc thiểu số Vân Kiều nép mình khiêm nhường dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ. Để đến được với bản nhỏ này chỉ có con đường độc đạo len lỏi giữa các sườn núi cao và cứ ngược dốc như thể đang leo lên đỉnh trời. Bản có 90 hộ với 496 nhân khẩu, chủ yếu làm rẫy nên kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, vì thế, con trẻ ít đứa được bố mẹ cho ra huyện, về tỉnh để học lên bậc học cao hơn. 

Vậy mà, trong cái bản nhỏ này lại có một gia đình tuy cái nghèo vẫn chưa bước chân ra khỏi bậc cầu thang nhà sàn, nhưng cậu học sinh Hồ Đức Thuận, sinh năm 2003 đã vượt khó về tỉnh để theo học cái chữ với một ước mơ giản dị là “để cho cái khổ không còn đựng đầy trong A chói (một dụng cụ đựng đồ mang lên nương rẫy) mang trên lưng của mình”. Hiện nay, Thuận là học sinh lớp 12B3, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị.

Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, Thuận dự định trở lại trường học tiếp chương trình và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, rồi làm hồ sơ vào Học viện Biên phòng hoặc Học viện Cảnh sát nhân dân để thỏa nguyện ước mơ của mình. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát khiến em không thể đi học đúng với thời gian quy định. Thuận ở nhà vừa học ôn, vừa đi nương, đi rẫy giúp đỡ gia đình. Thuận mày mò học theo sách, nhưng khổ nỗi cả bản chỉ mỗi mình em học khối 12 nên khi gặp những bài khó thì chẳng có ai để cùng nhau thảo luận tìm cách giải. Thấy các bạn học qua mạng internet, em cũng cố gắng tìm hiểu, thế nhưng ở khu vực bản em sinh sống, sóng điện thoại phập phù, mạng 3G, 4G lại càng không thể thu được tín hiệu.

Khi nhận thông tin nhà trường sẽ tổ chức học trực tuyến cho các học sinh khối 12 để hoàn thành chương trình học và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Thuận và gia đình vô cùng lo lắng, nhất là lúc đó đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên em không thể đi đến nhà các bạn trong xã để học tập. Đang lúc chưa biết làm thế nào, Thuận chợt nhớ đến những chỗ đồi hoặc núi cao có sóng 4G của nhà mạng Viettel. Ngay lập tức, em cầm điện thoại di động theo con đường mòn ngược lên đỉnh núi phía sau bản để dò sóng. 

Thật may, khi lên tới đỉnh núi thì điện thoại thu được tín hiệu mạng 4G. Mừng quá, Thuận vội chạy một mạch về nhà lấy các dụng cụ và cùng bố dựng ngay chiếc lán nhỏ để làm nơi học trực tuyến. Nhà không có sẵn vật liệu nên ông Hồ Văn Hiếu, bố của Thuận đã phải đi hơn 5 cây số mới mua được bạt về làm lán học cho con.

Lán làm xong, Thuận đem theo sách, vở, đồ dùng học tập, điện thoại di động... rồi chăm chỉ học trực tuyến theo bài giảng của các thầy, cô giáo qua sóng điện thoại di động. 

Thuận tâm sự với tôi: “Những ngày chưa tìm ra được tín hiệu mạng 4G, cháu lo lắm. Vì đây là năm học cuối cấp, nếu mình không tiếp thu hết kiến thức thầy, cô dạy thì thật khó có thể thi tốt nghiệp. Bây giờ có lán, có mạng 4G, cháu yên tâm học rồi. Cháu quyết tâm thi vào Học viện Biên phòng hoặc Học viện Cảnh sát nhân dân để không phụ lòng bố, mẹ đã vất vả cho cháu học hành”. Cũng theo Thuận, từ khi lán làm xong, Thuận đã tích cực tận dụng thời gian để học bài và chỉ nghỉ ngơi khi mang điện thoại di động về nhà sạc pin.

Thấy con học vất vả, chiếc điện thoại màn hình nhỏ sợ con bị hỏng mắt, ông Hồ Văn Hiếu đã chạy xe máy sang tận xã A Dơi, cách bản gần 30 cây số đường núi để mượn người quen chiếc máy tính xách tay cũ về cho con học. Ông Hiếu tâm sự: “Ở vùng sâu, vùng xa cái chi cũng vất vả, thiếu thốn nên việc học của con cũng khó khăn. Mình với nhiều người trong bản nghèo, khổ cũng chỉ vì “thiếu cái chữ”. Do đó, mình quyết tâm cho con đi học. Nhà mình có 3 con thì Thuận là cháu đầu, cháu thứ 2 năm nay học lớp 8 và cháu thứ 3 học lớp 5 tại trường của xã. Mình phải cố gắng làm rẫy, trồng sắn, nuôi trâu, bò để có tiền lo cho các con đi học”.  

Con đường học tập chưa bao giờ là dễ dàng với những học sinh vùng cao, vùng biên giới như Hồ Đức Thuận, thế nhưng vượt lên tất cả, cậu học sinh nghèo này chưa bao giờ nản chí. Ngày ngày, trên non cao Thuận vẫn miệt mài bên trang vở để kiếm tìm tri thức cho tương lai với mong ước cuộc đời mình sẽ tươi sáng hơn.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO