Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

Đừng gây khó cho dân

Biên phòng - Thời gian qua, hàng loạt dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ngay khi mới đưa ra thảo luận đã bị người dân phản đối, gây bức xúc trong xã hội. Có thể dẫn chứng những đề xuất khiến dư luận ồn ào không đáng như: Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm; quy định về kiểm tra phế liệu nhập khẩu dẫn tới ách tắc tại các cửa khẩu trước Tết Nguyên đán; vụ “cưỡng hôn” nữ sinh trong thang máy chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng, do không cấu thành tội phạm...

4a9f4cd1b3905ace0381
Học thi giấy phép lái xe ô tô tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh niên

Đáng chú ý là đề xuất của Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) về việc những người mất bằng lái xe sẽ phải thi lại toàn bộ đang tạo ra “cơn bão” tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều từ người dân đến các chuyên gia. Lý giải cho đề xuất này, Bộ GTVT cho biết: Dữ liệu giấy phép lái xe được Tổng cục Đường bộ Việt Nam lưu trữ bằng hệ thống phần mềm điện tử; hệ thống này có cả phần mềm quản lý vi phạm bằng lái. 

Tuy nhiên, hiện tại việc liên thông dữ liệu chưa đầy đủ do phía Cảnh sát giao thông mới gửi dữ liệu các trường hợp bị tước bằng lái mà chưa cập nhật đầy đủ các trường hợp tạm giữ có thời hạn nên đề xuất trên để giải quyết những bất cập trong việc cấp giấy phép lái xe và tránh tình trạng lợi dụng nhằm có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3 để hoạt động kinh doanh.

Nhiều chuyên gia đánh giá đề xuất trên vô cùng lạc hậu trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện cơ sở dữ liệu cư dân toàn quốc, khi Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ thực hiện cấp giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối với địa phương vào quý IV-2019.

Khi cả nước đang hội nhập cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chỉ cần một cái nhấp chuột là mọi dữ liệu đều có thể nắm bắt để phục vụ việc quản lý và kiểm tra, xác minh sai phạm, thì những đề xuất như thế rõ ràng là khó được người dân chấp nhận. Không thể vì Cảnh sát giao thông chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời và sự phối hợp chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước mà đẩy phần khó về cho người dân.

Thực tế, thời gian qua, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí có những quy định, những văn bản, gây khó cho doanh nghiệp và người dân. Thế nên, dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đã phải tạm dừng sau những phản ứng từ phía người dân và doanh nghiệp về hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế.

Theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, ngay cả những quy định, chính sách đã đi vào thực tiễn nếu không phù hợp cũng cần được rà soát, chỉnh sửa lại. Chỉ tính riêng năm 2018, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh).

Rõ ràng, việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành. Chúng ta cần thống nhất nhận thức việc rà soát các văn bản quy phạm phát luật để tạo môi trường thể chế công khai, minh bạch, góp phần loại bỏ triệt để tham nhũng vặt, lợi ích nhóm cài cắm trong chính sách, thủ tục. 

Thiết nghĩ, các bộ, cơ quan ngang bộ trước khi công bố các văn bản, chính sách phải đánh giá kỹ tác động từ nhiều chiều, phải lấy thêm ý kiến người dân, doanh nghiệp, để tránh việc vừa ban hành đã phải chỉnh sửa hoặc không được dư luận đồng tình. Như thế mới bảo đảm được phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO