Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 03/12/2023 03:18 GMT+7

Đừng để “tiền mất, tật mang”

Biên phòng - Thời gian qua, người sử dụng mạng xã hội liên tục bị “khủng bố” bởi những quảng cáo thần y cứ nhan nhản xuất hiện. Những quảng cáo như “Nhà tôi ba đời chữa sỏi thận”, “Bệnh lâu năm, hễ gặp tôi là khỏi”... xuất hiện với tần suất cao trên các nền tảng Facebook, Youtube, không chỉ gây khó chịu mà còn khiến nhiều người bệnh mắc bẫy lừa đảo khi tin vào “thần y” và các bài thuốc “chữa bách bệnh”.

Đáng lo ngại là dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về các bài thuốc gia truyền chưa được kiểm chứng, nhưng nhiều người vẫn tin dùng và “tiền mất, tật mang”. Thực tế, nhiều trường hợp mua “biệt dược” quảng cáo trên mạng chữa bệnh đã lãnh đủ hậu quả. Bệnh cũ chưa lành, bệnh mới phát sinh, thậm chí bị biến chứng nguy kịch, dẫn đến tử vong, gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo giới y khoa, sở dĩ các lang băm vẫn có đất dung thân, kiếm tiền bất chính vì tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, ai mách thầy, mách thuốc nào hay là tìm đến mua, chữa trị mà không tìm hiểu, kiểm chứng trên cơ sở khoa học.

Thế nên các “thần y”, “thần dược” tự xưng xuất hiện nhan nhản nhờ vào các chiêu trò quảng cáo, khẳng định chữa khỏi các căn bệnh từ viêm đại tràng, gan, thận, hay thậm chí là những căn bệnh mà y học hiện đại cũng chưa tìm ra phương pháp như ung thư.

Nguy hiểm hơn, nhiều quảng cáo sử dụng trái phép hình ảnh, tên tuổi thầy thuốc uy tín, người nổi tiếng gắn vào quảng bá các sản phẩm hoặc ngụy tạo phóng sự truyền hình, bài báo về công dụng thuốc khiến nhiều người hoang mang khi không biết sự thật ra sao. Phần lớn các nạn nhân mua phải những sản phẩm thuốc chất lượng kém lầm tưởng đó là quảng cáo có độ tin cậy cao của các báo, đài...

Trước thực trạng này, Hội Đông y Việt Nam khẳng định, những bài thuốc gia truyền trị bách bệnh đang quảng cáo trên mạng xã hội chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và họ quảng cáo chỉ nhằm mục đích trục lợi cho bản thân.

Trong khi chờ đợi pháp luật có những chế tài mới nghiêm khắc hơn đối với các “thần y” tự xưng trên mạng, mỗi người dân cần tự bảo vệ bản thân, cảnh giác trước những phương thuốc gia truyền chưa được kiểm nghiệm. Vì thuốc đông y nếu dùng không đúng sẽ sinh độc cho người bệnh.

Dưới góc độ pháp lý, những quảng cáo “thần y”, “thuốc chữa bách bệnh” xét về bản chất chính là việc bán hàng không đúng với công dụng được cam kết, lừa dối gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng. Hành vi này có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật hiện hành, với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng và cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ quan chức năng còn lúng túng trong quá trình xử phạt các loại hình quảng cáo trên trang mạng xã hội, vô tình tạo kẽ hở cho các đối tượng này ngang nhiên hoạt động. Bên cạnh đó, mức xử phạt còn thấp hơn rất nhiều so với nguồn lợi mà những người hành nghề trái phép thu về, nên chưa đủ răn đe.

Rõ ràng, đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải dẹp bỏ nạn “thần y”, “thần dược” sai sự thật, xử lý mạnh tay các đối tượng cố ý lợi dụng niềm tin người bệnh để khám chữa bệnh phản khoa học, không để người dân trở thành nạn nhân của trò lừa đảo thiếu đạo đức và vi phạm pháp luật.

Trước mắt, cần bịt ngay “lỗ hổng” trong khâu quản lý quảng cáo trực tuyến. Trong đó, yêu cầu các nhà mạng phải có trách nhiệm trong việc quản trị, truyền tải nội dung, đồng thời truy cứu trách nhiệm các doanh nghiệp online, những người đang hưởng lợi từ những quảng cáo sai sự thật.

Thiết nghĩ, chỉ có xử lý nghiêm, loại bỏ quảng cáo láo, dọn dẹp rác “chợ mạng” mới đem lại sự lành mạnh của môi trường mạng. Đối với người dân cần hết sức tỉnh táo trước những chiêu trò của các “thần y”, “thần dược”, tẩy chay với các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc; chỉ sử dụng thuốc và làm theo hướng dẫn của thầy thuốc và người có trình độ chuyên môn, được ngành Y tế công nhận và cấp phép chứng nhận.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO