Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 04:25 GMT+7

Đừng để phí chồng phí

Biên phòng - Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải bao gồm: Đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí... Những thông tin này sẽ gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền.

20121206144114-20120508084823-a2-img-1331
Từ ngày 1-1-2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít. Ảnh: Minh họa

Đề xuất của Bộ Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận, trong đó đa phần là phản đối vì lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng “thuế chồng thuế, phí chồng phí”. Bởi từ ngày 1-1-2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít. Trong khi đó, thu nhập của người dân chưa cao mà lại phải “gánh” nhiều loại thuế, phí sẽ tạo áp lực rất lớn về việc đồng thuận cũng như nguy cơ tăng lạm phát.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết xuất phát từ kiến nghị của cử tri Lào Cai và Hà Nội. Tuy nhiên, theo thông tin từ Ban Dân nguyện của Quốc hội, cử tri Lào Cai chỉ kiến nghị thu phí đối với khí thải công nghiệp để đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường tại một số khu công nghiệp nặng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Động thái tìm nguồn thu mới của Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh, ngày 28-8-2018, UBND thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào. Ngoài ra, Hà Nội còn đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện. Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện tham gia giao thông.

Theo Bộ Tài chính, sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức “báo động”. Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.

Như vậy, đối tượng không thể thiếu trong dự thảo về Nghị định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là ô tô, xe máy. Dư luận cho rằng, dù lý giải theo cách nào, tình trạng phí chồng phí, thuế chồng thuế vẫn xảy ra. Bởi vì, Bộ Tài chính đã thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để hạn chế ô nhiễm khi sử dụng ô tô, xe máy.

Hiện nay, các loại thuế đang đè nặng lên các phương tiện phổ biến như xe hơi và xe máy, tức là thu trên quyền được đi lại của người dân. Nhất là ô tô đang gánh quá nhiều các thứ thuế, phí với mức thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao, khiến giá xe ở Việt Nam cao bậc nhất thế giới. Trong khi đó, với các loại xe ô tô, Nhà nước đã có quy chuẩn mức xả thải ra môi trường như Euro 2, Euro 4. Nếu thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu, sau đó thu tiếp phí môi trường trên phương tiện thì có nghĩa là thu phí 2 lần.

Nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp lo ngại rằng việc đánh thuế khí thải không chỉ tạo ra chồng chéo các loại thuế phí, mà còn gây bức xúc trong dư luận. Các phương tiện giao thông cũng như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang phải chịu nhiều loại thuế phí  như: Thuế xuất nhập khẩu, VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu thêm các loại thuế mới sẽ kìm hãm sức dân và doanh nghiệp. 

Do đó, các nhà quản lý khi xây dựng đề án thu phí cần cân nhắc mức phí với từng đối tượng, đảm bảo công bằng, tránh việc áp quá nhiều thứ thuế, gây phí chồng phí.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO