Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

Đừng biến tục lệ trở thành… hủ tục

Biên phòng - Đầu xuân đi lễ chùa cầu an đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt Nam từ bao đời nay. Tuy nhiên, những năm gần đây, sinh hoạt này đang bị một số người làm cho méo mó, vì vậy các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng tuyên truyền, giáo dục, chấn chỉnh để trả lại phong tục tốt đẹp của những ngày đầu xuân.

qj9f_11b
Người dân ngồi làm lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) chật kín ngoài đường giao thông, cản trở người đi lại. Ảnh: Thanh Thuận

Tục cúng sao giải hạn đầu năm

Theo quan niệm của người Á Đông, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo năm. Người xưa cho rằng, tất cả có 9 ngôi sao, cứ 9 năm lại luân phiên trở lại gồm: Sao La Hầu, Kế Đô, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hớn, Thổ Tú, Thái Bạch, Thủy Diệu. Trong các sao, có sao tốt và sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện chẳng lành, nguy hại đến sức khỏe, tiền tài, vận mệnh của con người... gọi là vận hạn.

Những vận hạn từ xưa truyền lại mang màu sắc huyền bí như “Thái Bạch quét sạch cửa nhà”, “Nam La Hầu, nữ Kế Đô”... Do đó, để giảm nhẹ vận hạn của bản thân cũng như cho những người thân trong gia đình, nhiều người thường làm lễ cúng sao giải hạn (dâng sao giải hạn).

Lễ dâng sao giải hạn có thể thực hiện tại chùa hoặc ngay tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin bản thân, con cháu, gia đình đều được khỏe mạnh, trong năm mới vạn sự tốt lành, may mắn, thành đạt và thịnh vượng. Việc này đã làm yên lòng những người rơi vào năm "vận hạn" theo quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Do vậy, đầu năm, nhất là ngày rằm tháng Giêng, người ta thường làm lễ dâng sao giải hạn. Bài vị được thiết lập trên giấy, có màu tương ứng với ngũ hành của từng sao.

Thủ tục cúng sao giải hạn không quá phức tạp. Tại gia đình, lễ chỉ cần hương, hoa quả, nước, đèn nến, nhưng phải sắp đèn nến đúng hình sao, đúng phương hướng sao... Tại các chùa, sau khi ghi tên, nộp lệ phí, vào giờ đã định của các ngày nói trên, những ai thuộc sao nào thì đến nhà chùa nghe đọc kinh, đọc tên mình, nhận sớ và hóa vàng là hoàn tất. Mỗi đàn chỉ cúng cho khoảng mươi gia đình nên khá kỹ lưỡng.

Theo một vị sư ở chùa Quán Sứ (Hà Nội), trong sách của đạo Phật không nói gì đến việc cúng sao giải hạn. Tập quán này vốn xuất phát từ Trung Quốc. Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Ở tòa Tam Bảo, nhà chùa dâng hoa quả cúng Phật, có cái gì thì dâng cái ấy lên cúng Phật chứ không có nghi thức gì khác cả. Từ giải sao là cho dễ hiểu chứ không có lễ giải sao nào cả.

Những biến tướng

Ngày nay, do yêu cầu của cuộc sống, con người phải vật lộn với những khó khăn và áp lực, rủi ro trong thi cử, mất mùa, đặc biệt là trong làm ăn, buôn bán hay thậm chí là cả “rủi ro” trong tình duyên, con người lại càng quan tâm hơn đến vấn đề tâm linh. Chính vì thế, lễ giải hạn đã không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của nó.

Lễ giải hạn đã bị lạm dụng khiến các nghi lễ trở nên rườm rà và được tổ chức một cách bừa bãi. Những gia đình giàu có sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng để thuê thầy cúng về làm lễ cho gia đình làm ăn phát đạt, buôn bán thuận lợi. Những gia đình không có điều kiện nhưng vì “tín tâm” hoặc chỉ vì theo xu hướng đám đông, thấy nhiều người làm lễ cúng sao giải hạn nên sẵn sàng đi vay mượn tiền bạc của hàng xóm để làm lễ. Vào những ngày cúng lễ, mọi người đổ xô đến chùa, chen lấn nhau chỉ mong được tham dự lễ.

Cũng từ sự “tín tâm” quá độ mà ngày càng nhiều người kéo đến các nơi thờ tự làm lễ giải hạn cho bản thân và gia đình. Có những nơi, số lượng người đến đăng ký cúng sao, giải hạn không lúc nào ngớt. Có những lúc, số người kéo đến quá đông, chen lấn xô đẩy nhau trong các sân chùa và sân đình; thậm chí còn ngồi tràn ra vỉa hè, chiếm dụng cả lòng đường giao thông cách chùa mấy trăm mét như ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) - ngôi chùa được cho là linh thiêng nhất trong việc cúng sao giải hạn ở Hà Nội mỗi dịp đầu xuân.

Bên cạnh đó, việc cúng lễ dâng sao giải hạn cũng bị thương mại hóa, mỗi chùa mỗi giá. Tại chùa Phúc Khánh, dâng sao giải hạn có giá 150 ngàn đồng/sao, lễ cầu an cho cả gia đình ở cùng một địa chỉ là 150 ngàn đồng. Chùa Quán Sứ thì dâng sao giải hạn và cầu an cùng một lễ chi phí là 500 ngàn đồng. Tại chùa Bộc, giá cúng sao giải hạn cho cả gia đình gồm 4 người  là 1,3 triệu đồng. Đồ lễ cũng vì thế mà mỗi nơi mỗi khác.

Ngoài ra, xung quanh các chùa làm lễ giải hạn thường xuất hiện các dịch vụ khấn thuê hay thậm chí còn “buôn thần bán thánh”, tuyên truyền những thông tin thiếu lành mạnh, gây hoang mang cho các con nhang đệ tử. Tình trạng người người chen chúc khấn vái cũng là môi trường thuận lợi cho một số kẻ gian thực hiện hành vi móc túi, trộm cắp tài sản và các dịch vụ trông xe đắt đỏ...

Các cơ quan chức năng lên tiếng

Trước tình trạng quá đông người đến đình, chùa làm lễ giải hạn được truyền thông phản ánh, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có công văn nêu rõ, việc cúng dâng sao, giải hạn là sự biến tướng, lợi dụng nhu cầu của người dân để trục lợi. Cục đề nghị các địa phương có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Ngày 20-2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng lên tiếng về việc sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa gửi đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam của các địa phương. Trong công văn nêu rõ: "Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã dùng các phương tiện để tập hợp mọi người giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp".

Vì vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu, việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa phải được đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi. Mọi hoạt động phải hướng theo điều thiện, giúp mọi người hiểu luật Nhân-quả của Phật giáo, làm việc tốt, hành động chân chính.

Ngày 20-2, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ và Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam về việc tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự Phật giáo. Trong đó, để khắc phục hạn chế việc tổ chức dâng sao giải hạn, Bộ VHTTDL đề nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; hướng dẫn các cơ sở thờ tự Phật giáo, không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng chia sẻ, nhu cầu mong ước sức khỏe, hạnh phúc, bình an, may mắn... là chính đáng. Để đạt được điều đó thì bản thân mỗi người phải nỗ lực rèn luyện, học tập, làm việc, tu tâm dưỡng tính, biết chia sẻ, yêu thương. Thay vì đổ xô đi dâng sao giải hạn, mỗi người hãy nên góp phần tạo cuộc sống an vui bằng cách làm điều thiện từ những việc nhỏ nhất.

Lễ giải hạn xuất phát điểm là một tập tục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu an, cầu phúc. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, việc dâng sao giải hạn lại gắn nhiều với yêu cầu về kinh tế. Vì lẽ đó, nên ngay một số tổ chức xã hội của những người mang danh “học giả”, “trí thức”... cũng “vướng” phải, cũng cầu danh, trục lợi từ những tín ngưỡng này.

Dẫu biết rằng, “tín tâm” cũng là một trạng thái tâm lý của cuộc sống nhưng chỉ nên dừng lại ở sự chừng mực, vừa phải. Con người hãy sống giản dị, cần cù, thiện lương, thượng tôn pháp luật, tin vào khoa học... là tốt nhất. Đừng quá lạm dụng lễ giải hạn, khiến cho tục lệ lâu đời này không còn mang giá trị tốt đẹp như khởi nguồn của nó mà dễ dẫn đến nguy cơ trở thành một “hủ tục”.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO