Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 11:18 GMT+7

Dùng bê tông táng ở đất rừng Tây Nguyên

Biên phòng - Trong số những nghi lễ vòng đời của dân tộc Jrai, nhóm các phong tục tang ma liên quan đến người đã chết đặc biệt quan trọng. Họ quan niệm rằng, chết là tiếp diễn một cuộc sống khác và người nào khi còn sống cũng có ý thức chuẩn bị cho mình cuộc sống sau khi chết. Việc chuẩn bị sẵn cỗ hậu sự (quan tài) là việc thường thấy trong gia đình có người già của Tây Nguyên. May mắn của chúng tôi là bắt gặp câu chuyện về tình người ấm áp xung quanh việc lo hậu sự cho mình của một già làng người Jrai, đó là bà Siu Phyin, ở làng Goòng, xã Ia Puch, huyện Chư Prông, Gia Lai.

lke2_9a
Già Siu Phyin bên cỗ hậu sự của chính mình. Ảnh: TTH

Già Siu Phyin dắt tôi ra vườn, chỉ cho xem cỗ hậu sự mà bà đã chuẩn bị sẵn cho mình. Tôi ngạc nhiên thấy khối bê tông nằm lay lắt bên một gốc cây, chiếc quan tài bê tông này ở giữa nơi được gọi là đại ngàn. Đó phải chăng là bằng chứng sinh động nhất về hiện trạng rừng nghèo kiệt, con người không còn đủ gỗ cho sinh hoạt tối thiểu. Hoặc quan niệm về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số giờ đây đã không còn khắt khe với nhiều tầng lớp nguyên tắc nữa?

Già Siu nói, cỗ hậu sự này là cỗ thứ 10 bà chuẩn bị cho mình, do một người thợ ở gần đó mới đúc. Bà dặn con cháu để cỗ hậu sự này phòng khi bà về già thì sử dụng. Ban đầu, cỗ hậu sự bằng gỗ quý, sau đó vì không có tiền nên cỗ hậu sự được làm bằng bê tông cho rẻ. Từ chỗ hàng chục triệu giờ chỉ còn vài triệu thuê đúc mà thôi. 9 lần trước đó, mỗi khi trong làng có người làng mất thì người nhà họ đến “vay”, sau đám tang, họ mới mua một cỗ khác để trả lại. Người chưa kịp chuẩn bị cỗ hậu sự cho mình phần lớn là người nghèo. Và dù ít hay nhiều, món tiền để mua quan tài cũng cộng thêm vào chi phí đám tang cùng với rất nhiều nghi lễ, nhiều đồ cúng tế, đãi đằng nhóm thợ và người trong làng khiến rất nhiều gia đình sau khi có người chết đi đến kiệt quệ, phải bỏ mả sớm. 

Siu Phyin là người phụ nữ có uy tín của làng Goòng được dân làng nhiều năm liền bầu là già làng cũng một phần do bà thấu hiểu và thông cảm với các gia đình nghèo. Trách nhiệm của một người có uy tín còn ở chỗ bà sẵn lòng cho vay cỗ hậu sự của chính mình. Khi được hỏi cỗ hậu sự bằng bê tông đã từng xuất hiện trong đời sống người Jrai từ xưa đến nay chưa. Bà nói chưa từng có tiền lệ, chỉ là giá rẻ hơn nên những người thợ chuyên làm nghề lo tang ma tự sáng tạo ra mà thôi. 

Thường thì việc táng sơ, táng nông hay táng một lần trong lệ tục tang ma của đồng bào các dân tộc Việt Nam đều sử dụng gỗ và sành, đất nung làm cỗ quan tài. Điều này còn có một ý nghĩa sâu xa là khi mất đi, con người rồi cũng sẽ trở về với tự nhiên, hòa vào đất mẹ. Một số tôn giáo và tín ngưỡng cũng từng nhắc tới tục táng càng gần gũi với thiên nhiên càng tốt. Thi thể và linh hồn cần được tan biến và siêu thoát. Việc sử dụng bê tông đúc là biến thiên thô lậu của đời sống, cũng phản ánh hiện thực ngậm ngùi của núi rừng Tây Nguyên khi tối thiểu là ván gỗ đóng quan tài cũng trở nên rất hiếm hoi. 

Người Jrai hiện nay còn có một tục táng đã cơ bản được bỏ, là táng chung mồ. Nhiều người chết lần lượt được táng chung trong một mồ bằng cách cậy nắp quan tài cho người mới chết vào với người đã chết trước đó. Sau đó có người chết nữa cùng dòng họ thì nấm mồ lại được đào lên để cho thêm thi thể mới. Tục này đã không còn nữa sau nhiều năm người Jrai hội nhập cộng đồng các dân tộc khác và đi dần tới đời sống văn minh trong tục lệ tang ma, cưới hỏi.

Các nghi lễ như lễ bâng thi, lẽ bỏ mả... đều đã dần được lược bỏ, giản tiện nhằm bớt gánh nặng cho người sống và việc táng người chết được văn minh, giữ gìn môi trường trong lành cho cộng đồng người còn sống. Một thời không xa, những cộng đồng người Jrai vẫn còn có tục tổ chức ăn uống linh đình ở ngoài nghĩa địa. Tục kiêng tắm để tưởng nhớ người chết và “nuôi ma” sợ ma đói về quấy nhiễu đời sống hiện không còn nữa. 

Điều đáng nói là rất nhiều những giá trị văn hóa trong đời sống người Jrai được sinh ra trong nghi lễ tang ma đời người. Nghệ thuật dân gian đẽo tượng nhà mồ, làm nhà mồ, ủ rượu ghè... chính là được sinh ra trong lễ bỏ mả (lễ pơthi) của người Jrai. Việc loại bỏ hủ tục cần được tiến hành như một cuộc sàng lọc, những gì lấp lánh tính văn hóa thì cần giữ lại, những gì không còn phù hợp thì cần loại bỏ. Việc đúc quan tài bằng bê tông phần nào nói lên đời sống những người ở rừng đã bị xâm lấn bởi đô thị, nằm ngoài quan điểm truyền thống và ý nghĩa sâu xa trong tục tang ma của chính họ. 

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO