Biên phòng - Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) là một người có đức tính vô cùng giản dị. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thật sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay”(1).

Trong bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” trên tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” (Ogoniok) số 39 ra ngày 23-12-1923, nhà văn Liên Xô Osip Mandelstam đã ấn tượng về sự giản dị của người thanh niên yêu nước này: “Nguyễn Ái Quốc hiện là người An Nam duy nhất ở Mátxcơva... Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
Ngay sau khi nước Việt Nam giành được độc lập, tuần báo “Đây Paris” ra ngày 18-6-1946 có bài viết về đức tính giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Sự ăn ở giản dị đến cực độ”, bài báo viết, là một đức tính rõ rệt nhất của Người. Bài báo nêu nhiều dẫn chứng để chứng minh cho nhận định đó. Chẳng hạn, quanh năm Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ mặc một bộ quần áo ka-ki và từ chối thay những bộ đồ trang trọng, bởi theo Người, nhân dân Việt Nam vẫn còn nhiều người thiếu áo quần trong giá rét. Trong những ngày thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng cơm ở Bắc Bộ phủ thì Người ngồi chung với hết thảy mọi người, từ các bộ trưởng cho đến những người phục vụ. Nhờ có đức tính giản dị của Người mà bữa ăn lúc nào cũng thân mật, vui vẻ, như trong một gia đình.
Đức tính giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn biểu hiện trong những bài diễn văn và những bài báo. Không bao giờ Người tỏ vẻ thông thái. Trái lại, Người chỉ dùng những câu nôm na, khiến cho một người dù quê mùa, chất phác nghe cũng hiểu ngay được.
Câu chuyện về “đôi dép của Bác Hồ” nói lên sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các tờ báo ở Ấn Độ và các nước khác đăng tải khi Người đến thăm đất nước này vào tháng 2-1958. Khi vừa đặt chân tới New Delhi, Người đã đến Đài tưởng niệm Mahatma Gandhi - vị lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ. Ngay khi Người vừa cởi dép để bước vào Đài tưởng niệm thì hàng trăm nhà báo Ấn Độ và các nước khác đã cúi xuống xem đôi dép của Người. Họ cảm phục sự giản dị của Người khi biết “đôi dép Bác Hồ” được chế tạo từ chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta đánh úp tại Việt Bắc vào năm 1947. Họ càng cảm phục hơn khi được biết những khi hành quân, đi thăm nhân dân và khi tiếp khách trong nước hay khách quốc tế, Người vẫn thường mang đôi dép ấy.
Trước nhân dân New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru trong bài phát biểu chào mừng Người đã bày tỏ: “Thật là một điều vĩ đại trên thế giới đối với một con người tầm cỡ như vậy mà có sự khiêm tốn, sự khiêm tốn ấy đã cuốn hút tình yêu mãnh liệt từ mọi người... Vị khách hôm nay là có một, ông ấy rất bình dị, khiêm tốn và hiền từ, mới nhìn mọi người yêu mến ngay”.
Trong bài viết đăng trên báo Akahata (cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản) số ra ngày 5-9-1969, hai nhà báo Haramada Satomi và Yonehara Itaru cũng đã đề cập đến đức tính giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong dịp chúng tôi sang thăm Việt Nam năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo chúng tôi: “Mời các đồng chí lúc nào đến chỗ tôi chơi”. Đây là một ngôi nhà sàn bằng gỗ, giản dị và nhỏ. Ở cầu thang có mắc chuông gọi. Khách đến thăm giật chuông báo trước. Cái chuông này do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự làm lấy. Người chỉ cho chúng tôi xem và nói: “Tiện lắm, các đồng chí ạ!”.
Nhà báo người Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1967, đã viết: “Cụ sống giản dị tại căn buồng nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách, tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam”.
Nhà báo người Mỹ David Halberstam trong cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản McGraw-Hill ấn hành vào năm 1971 tại New York cũng đánh giá rất cao đức tính giản dị của Hồ Chủ tịch. Tác giả viết rằng, Người là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị và luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất. Tuy nhiên, phong cách của Người bị giới cầm quyền ở phương Tây chế giễu vì thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính đức tính giản dị ấy, khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công trên con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1987, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Vào năm 2010, bà Ketherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự ấn tượng về hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - một con người kiên cường trong bộ trang phục giản dị. “Tôi rất ấn tượng với hình ảnh của Người” - Bà Ketherine Muller Marin bày tỏ. n
(1). Phạm Văn Đồng, Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1973, tr.279.
Nguyễn Văn Toàn