Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 01:14 GMT+7

Dục - Nông trong tôi

Biên phòng - Với riêng tôi, vùng biên giới Dục - Nông (xã Đắk Dục và Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) luôn là địa chỉ thân thương trong miền ký ức. Gần 30 năm trước, có một Dục - Nông bước vào công cuộc đổi mới với bao thách thức trước nguy cơ tụt hậu. Dục - Nông ngày đó thật “hồn nhiên” giữa vùng trắng mênh mông nơi biên giới, với những câu chuyện cổ tích giữa đời thường...

Còn hôm nay, hơn ¼ thế kỷ đi qua, đã có một Dục - Nông tràn đầy năng lượng và sự tự tin trong vóc dáng vùng nông thôn mới (NTM). Dục - Nông trong tôi là hai “mảng màu” khác biệt về mặt hình thức nhưng có những giá trị vẫn trường tồn mãi theo thời gian.

Cán bộ Đồn BP Dục Nông giúp nhân dân trên địa bàn cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Thái Kim Nga

Trâu theo nắm, tắm theo bến, đến bằng... dao

Tôi vẫn nhớ như in lần đầu đến với vùng biên giới Dục - Nông cách đây gần 30 năm về trước. Ngày đó, con đường huyền thoại mang tên Bác Hồ kính yêu (Quốc lộ 14) băng qua vùng ngã ba Đông Dương vẫn đậm chất một “con đường kháng chiến” với những vũng bom, ổ đạn và tầng tầng lớp lớp khúc cua tay áo, thoắt ẩn, thoắt hiện giữa đại ngàn mênh mông.

Cư dân vùng biên giới lúc bấy giờ chủ yếu là những ngôi làng người dân tộc thiểu số Giẻ - Triêng, sống rải rác theo hình xương cá dọc Quốc lộ 14, với khoảng cách từ làng này đến làng kia thường được bà con tính bằng... con dao (vật bất ly thân khi ra khỏi nhà, đường càng xa càng nhiều lần đổi tay cầm dao vì mỏi). Cùng với đó là những người hàng xóm cách đây chừng... mấy con dao nhưng rất đỗi thân quen đến từ đồn Biên phòng (BP) quản lý địa bàn.

Nói như thế để thấy, ngày “con chữ Bác Hồ” chưa phủ hết các buôn làng biên giới, người Dục - Nông nói riêng, các buôn làng nơi vùng cực Bắc Tây Nguyên nói chung thường dùng cách tính ước lượng như thế để trao đổi với nhau. Trâu, bò khi mua bán hay đóng góp, nộp phạt để cúng thần linh được tính bằng nắm bàn tay, sừng càng dài, càng nhiều nắm (trọng lượng không quan trọng, miễn có sừng là được).

Làng nào cũng có hai bến tắm dành cho nam và nữ, ai khác giới vô tình lạc vào là chắc chắn bị phạt. Lệ làng đã định cứ thế mà thực hiện, sai đúng là do già làng quyết. Khi những tinh hoa của thời đại chưa lan tỏa hết các đường làng ngõ xóm thì đó là cách để bà con đề cao vai trò của người đứng đầu về mặt tinh thần, từ đó duy trì trật tự trong cộng đồng. Mặc dù vậy, sự “hồn nhiên” nói trên phần nào cho thấy có rất nhiều việc cần phải làm trong thời khắc đón ánh bình minh của công cuộc đổi mới.

Một trong những việc phải làm của cả hệ thống chính trị cơ sở lúc bấy giờ là xóa bỏ những “vùng trắng” về giáo dục, văn hóa, y tế, từng bước nâng cao dân trí, cải thiện đời sống dân sinh. Trên lĩnh vực quan trọng này, vai trò của người lính BP quản lý địa bàn được phát huy cao độ khi triển khai thực hiện chương trình phối hợp với các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, tạo làn gió tươi mới thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong đời sống cộng đồng vùng biên giới.

Dưới ánh đèn dầu le lói giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi đâu cũng có thể nhen nhóm thành lớp học xóa mù chữ, giường y tế lưu động hay một buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ do những người lính đến từ Đồn BP Dục Nông, BĐBP Kon Tum chủ trì. Cứ như thế, theo thời gian, những “ánh sao xanh” giữa trời đêm biên giới cứ tỏa sáng, tạo nền móng vững chắc để vùng biên Dục - Nông “chuyển mình” vươn lên từ vùng trắng đến vùng NTM như ngày hôm nay.

Vững vàng vóc dáng NTM

Dục - Nông trong tôi là đầy ắp những hình ảnh gần gũi thân thương về tình đất, tình người, nhưng cũng có cả sự ngỡ ngàng trước tầm vóc của vùng NTM. Không ai nghĩ, từ một vùng biên đầy nét “hồn nhiên” như thế lại “chuyển mình” trở nên mạnh mẽ, tự tin trên con đường xây dựng và phát triển. Và ngay tại vạch xuất phát cũng chẳng ai dám tin một trong hai “người anh em” này - xã Đắk Nông lại trở thành địa phương đầu tiên của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum chạm đích xây dựng NTM.

Sau hơn một nhiệm kỳ nỗ lực, quyết tâm cao độ, năm 2018, xã Đắk Nông được công nhận đạt chuẩn NTM. 2 năm sau, đến lượt Đắk Dục chinh phục được cột mốc trong mơ này, chính thức đưa Đồn BP Dục Nông trở thành đơn vị duy nhất (tính đến thời điểm này) quản lý 2 xã NTM trên địa bàn biên giới các tỉnh Tây Nguyên.

Việc đạt chuẩn NTM thì đương nhiên các tiêu chí đều phải bảo đảm, đồng nghĩa đời sống về mọi mặt của người dân được nâng cao hơn. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là sự phát triển ổn định về kinh tế và tốc độ giảm nghèo của 2 địa phương này. Theo số liệu điều tra của Đồn BP Dục Nông, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số hộ nghèo và cận nghèo của 2 xã Đắk Dục và Đắk Nông chỉ còn 182/10.004 hộ, giảm gần 40% so với năm 2022. Với mũi nhọn kinh tế là nông nghiệp, những năm gần đây, 2 xã tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng cây trồng, vật nuôi, từng bước chuyển đổi theo hướng tăng giá trị trên một đơn vị diện tích trồng trọt, chăn nuôi. Riêng xã Đắk Nông, năm 2021 đã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trở thành xã kiểu mẫu cả trong thời chiến lẫn thời bình của tỉnh Kon Tum.

Giá trị tình người

Dục - Nông trong tôi có hai “mảng màu” khá tương phản về vóc dáng xưa và nay, nhưng cũng có những giá trị trường tồn mãi theo thời gian, đó là tình người. Gần 30 năm trước, trong số học viên tham gia lớp xóa mù chữ do Đồn BP Dục Nông tổ chức, có những người phụ nữ bụng mang dạ chửa vẫn cố gắng theo chân BĐBP đi tìm “con chữ Bác Hồ”. Sau ngần ấy thời gian, thế hệ thứ hai được sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành vẫn được sống trong vòng tay yêu thương, chở che của người lính.

Từ sự trợ giúp của Đồn BP Dục Nông trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, cô gái Y Son tốt nghiệp cử nhân và trở thành giáo viên tiểu học. Ảnh: Thái Kim Nga

Câu chuyện của cô học trò nhỏ Y Son ở thôn Tà Bók, xã Đắk Nông, hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Đắk Dục là minh chứng sống động của tình quân dân trên biên giới. Mặc dù không trực tiếp mở lớp dạy chữ như thế hệ cha mẹ của Y Son trước đây, nhưng việc Đồn BP Dục Nông nhận đỡ đầu em trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã mở ra cho Y Son một tương lai tươi sáng, đầy hứa hẹn. Sau 4 năm “dùi mài kinh sử” ở Trường Đại học Huế, Y Son trở về quê nhà “báo công” với người lính Đồn BP Dục Nông bằng tấm bằng cử nhân ngành Giáo dục tiểu học loại giỏi.

Ngay sau đó, cô được tiếp nhận về làm giáo viên tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám và trở thành người bạn đồng hành của Đồn BP Dục Nông trên mọi mặt trận, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động trẻ em đến trường và khuyến học. Vui nhất, ấn tượng nhất có lẽ là ngày Y Son xây dựng gia đình, Ban Chỉ huy Đồn BP Dục Nông không chỉ có mặt đông đủ, mà còn đại diện họ nhà gái lên phát biểu trước quan viên hai họ và khách mời.

Đây có thể xem là đoạn kết cực kỳ viên mãn dành riêng cho cô học trò nhỏ vùng biên ngày nào, nhưng không phải là điểm cuối cùng của câu chuyện. Bởi hiện tại, Đồn BP Dục Nông đang chăm sóc, nuôi dưỡng 1 con nuôi đồn BP và đỡ đầu 31 cháu học sinh nghèo vượt khó (29 cháu thuộc dự án Quân đội tham gia nâng bước em tới trường). Đặc biệt, trong số này có cháu Y Ia Ly Cát Chinh, dân tộc Giẻ-Triêng, học sinh lớp 8, ở thôn Nông Kon, xã Đắk Dục đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và huyện vừa qua.

Hơn ¼ thế kỷ đi qua, từ mối nguy cơ trở thành “vùng trắng” trên biên giới, đã có một Dục - Nông tràn đầy năng lượng và sự tự tin trong vóc dáng vùng NTM.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO