Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 02:08 GMT+7

Đưa “vùng xanh Ia Mơ” vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19

Biên phòng - Xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, địa bàn đặc biệt khó khăn đang tiến từng bước một, tuy chậm mà chắc để tiệm cận với vùng nông thôn mới. Dịch Covid-19 bùng phát đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân tuy nhiên, cùng nhiều “kênh” hỗ trợ vốn vay ưu đãi đã trợ giúp người nghèo và tạo cơ sở phát triển bền vững. Đặc biệt, cùng với sự chung tay, những cống hiến của người lính Biên phòng cũng chính là sức mạnh nội lực đưa Ia Mơ vững bước tiến về phía trước, vượt qua đại dịch…

Hình ảnh người lính Biên phòng trở nên thân quen trên cánh đồng lúa nước ở xã Ia Mơ (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Thái Kim Nga

Dịch Covid-19 bùng phát đã tác động không nhỏ đến đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới. Và, xã Ia Mơ cũng không ngoại lệ, nhất là khi đây vốn dĩ là địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai. Ia Mơ cho đến giờ vẫn là “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 của tỉnh Gia Lai, bởi vậy việc nỗ lực giữ vững “trận địa” nhưng vẫn đảm bảo đời sống của người dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần có sự chung tay của người dân, chính quyền địa phương và BĐBP. Là địa phương thuần nông nhưng đất Ia Mơ lại luôn khô khan, cằn cỗi, nắng lên thì hạn, mưa xuống là ngập, trồng bất cứ cây gì cũng đều “thuận ít nghịch nhiều”. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, không phù hợp để sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, trong cơ cấu kinh tế xã Ia Mơ, cây lúa và cây điều được đánh giá đóng vai trò chủ lực. Bên cạnh đó là thế mạnh đến từ chăn nuôi gia súc (bò, heo) hiện đang được khuyến khích phát triển. Có một điều rất trùng lặp và đáng trân trọng là cả 3 “mũi giáp công” nói trên đều mang dấu ấn đậm nét của những người lính Biên phòng.

Để giúp người dân “đón đầu” công trình thủy lợi Ia Mơ, Đồn Biên phòng Ia Mơ phối hợp với chính quyền địa phương và các thôn trưởng, già làng xây dựng mô hình trồng trình diễn lúa nước tại đội công tác địa bàn nằm ngay trung tâm của xã. Sau những cuộc chuyển giao kỹ thuật, vừa làm, vừa hướng dẫn rất trực quan, sinh động, cây lúa nước đã từng bước “bén rễ” trên đất làng mang lại thành quả được xem là ngọt ngào nhất trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn biên giới. Năng suất lúa nước ở đây không ngừng được nâng lên, đạt mức bình quân 4 tấn/ha, còn tổng sản lượng chính là “con số trong mơ” mà chúng tôi đã đề cập.

Đến với Ia Mơ hôm nay không chỉ được ngắm nhìn cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay mà còn trải nghiệm màu xanh của những vườn điều rợp bóng mát. Tuy nhiên, không nhiều người biết, hơn 20 năm về trước, có những người lính Biên phòng âm thầm mang giống điều từ miền xuôi lên miền ngược, tỷ mỉ hướng dẫn cho bà con cách trồng và chăm sóc. Vườn điều thí điểm ấy giờ đây đã hóa thành cổ thụ, mang trong mình tất cả tình yêu thương, sự tận hiến của người chiến sĩ Biên phòng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết: “Cây điều đang là một trong những cây hàng hóa chủ lực của địa phương với tổng diện tích đạt gần 600ha, trong đó có 300ha đã cho thu hoạch đạt năng xuất bình quân khoảng 800kg/ha. Có thể nói, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của xã Ia Mơ, hình ảnh người lính Biên phòng luôn gần gũi thân thương trong lòng bà con nhân dân, trở thành vốn quý, nguồn nội lực dồi dào để chúng tôi tiếp tục vững bước hướng về phía trước...”. Và, đây chính là “tiền đề” quan trọng để người dân ở Ia Mơ có cơ sở nỗ lực vượt khó khi dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp và kéo dài.

Cũng cần nhấn mạnh, xã Ia Mơ chính là địa bàn biên giới thứ 2 (sau xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) được BĐBP Gia Lai trực tiếp đỡ đầu trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bên cạnh những cống hiến lặng thầm của người lính Đồn Biên phòng Ia Mơ suốt gần nửa thế kỷ qua, thời gian gần đây, rất nhiều chương trình, mô hình đầy tính nhân văn được BĐBP Gia Lai triển khai như mô hình quân dân y kết hợp, “Con nuôi đồn Biên phòng”, Chương trình “Nâng bước em tới trường”, giảm nghèo bền vững, trợ giúp cây, con giống... đã làm tươi hơn nụ cười của các chủ nhân vùng biên giới.

Bà Ksor H’Cha (bên phải) cùng đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơ chăm sóc vườn rau xanh (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Thái Kim Nga

Bà Ksor H,Cha (dân tộc Jrai) ở làng Klả, xã Ia Mơ chia sẻ câu chuyện của mình và luôn nhắc đến những người lính biên phòng với đầy sự biết ơn. Bà H,Cha là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh gia đình rất nghèo lại đang nuôi 2 đứa con nhỏ ăn học. Điều ấn tượng ở đây là cả 2 con của bà đều được BĐBP Gia Lai trợ giúp, trong đó có cô con gái út Ksor H,Nương là con nuôi của Đồn Biên phòng Ia Mơ. Bên cạnh việc trợ giúp các cháu đến trường, Đồn Biên phòng Ia Mơ còn giúp bà Ksor H,Cha thực hiện mô hình trồng rau xanh, nuôi heo nái để tăng thêm nguồn thu nhập.

Đến nay, heo đã đẻ, rau đã có mang ra đầu làng ngồi bán, gánh nặng của người phụ nữ đơn thân cũng nhẹ bớt nhiều phần. Ở chiều ngược lại, hễ có bó măng rừng, ngọn bí hay mấy trái bắp (ngô) mang từ rẫy về là bà Cha đều mang vào đội công tác địa bàn biếu bộ đội. Tình cảm đó còn được thể hiện qua việc “ủy quyền” cho anh em Biên phòng quyết định toàn bộ chuyện hệ trọng trong gia đình, kể cả việc cất giữ tiền bạc mà gia đình tích lũy được từ sản xuất và chăn nuôi. Kinh tế ổn định nên trong khi không ít gia đình khó khăn vì dịch Covid-19 thì gia đình bà Cha không phải lo lắng nhiều vì đã có tài sản tích lũy.

“Ước nguyện lớn nhất cuộc đời mình là hai đứa con nhỏ được học hành đến nơi đến chốn (bà Cha có 4 người con, trong đó, 2 người đã có gia đình). Nếu không có Đồn Biên phòng Ia Mơ giúp đỡ thì chắc chắn tụi nó đã phải nghỉ học từ lâu rồi. BĐBP đã mang đến cho gia đình mình, làng mình rất nhiều niềm vui” - lời chia sẻ đầy xúc động của người phụ nữ đơn thân làng Klả tuy chưa nói hết nghĩa tình sâu nặng của quân dân vùng biên giới, nhưng có một điều chắc chắn đó là niềm tin của bà con dành cho người lính Biên phòng đang đang ngày càng lớn hơn, bền chắc hơn.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO