Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Đưa văn hóa, thông tin lên vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Biên phòng - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề cao sứ mệnh của văn hoá, nghệ thuật trong xây dựng con người Việt Nam: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Thấm nhuần lời dạy và kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ quan tâm phát triển văn hóa, Đảng ta đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa quần chúng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đưa các hoạt động văn hóa, thông tin về cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thụ hưởng văn hóa tinh thần giữa đồng bằng với vùng đồng bào DTTS, miền núi.

Trẻ em vùng DTTS hào hứng tiếp cận sách (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Mai Ngọc

Ở nước ta, phần lớn các cộng đồng DTTS cư trú phân tán, xen kẽ tại miền núi, vùng cao với địa hình chia cắt phức tạp, đời sống người dân đa phần còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao...

Những năm qua, để chăm lo, ổn định đời sống cho vùng đồng bào DTTS, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, dành các điều kiện ưu đãi về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS và miền núi. Cùng với việc chăm lo ổn định đời sống kinh tế, Đảng và Nhà nước cũng quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, pháp luật... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng DTTS.

Xác định vai trò của công tác chiếu phim lưu động trong việc phổ biến kiến thức, mang ánh sáng văn hóa đến cho người dân, nhất là bà con các vùng xa xôi, hẻo lánh, từ năm 1996, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chỉ đạo ngành điện ảnh và Sở Văn hóa - Thông tin các địa phương tổ chức hoạt động chiếu phim lưu động trong cả nước, đặc biệt là vùng DTTS, miền núi.

Ở các tỉnh miền núi, các đội chiếu phim lưu động không chỉ mang những tác phẩm điện ảnh mới nhất đến với đồng bào DTTS, mà còn tới những vùng khó khăn, thiếu phương tiện nghe nhìn, Cục Ðiện ảnh còn tổng hợp tình hình thời sự trong nước và quốc tế trong khoảng thời gian nhất định để chuyển tới người xem. Bên cạnh đó, chiếu phim lưu động còn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trong những ngày lễ lớn của dân tộc, chuyển tải chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, các kiến thức về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, kiến thức về xóa đói, giảm nghèo, kế hoạch hóa gia đình...

Ngày nay, nhiều gia đình ở các vùng DTTS, miền núi đã bớt khó khăn, sắm sửa được ti vi, nhưng chiếu phim lưu động vẫn là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng được duy trì và phát triển. Thông qua chương trình này, người dân không những được xem phim, mà còn được hướng dẫn xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa trong cộng đồng, củng cố kiến thức về công tác khuyến nông, giúp đồng bào nắm bắt được kiến thức, áp dụng vào sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Cùng với sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, văn hóa tinh thần, người dân vùng DTTS, miền núi hầu như không có cơ hội tiếp cận với sách, văn hóa đọc. Nhận thấy được thực trạng đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 42/CT-TƯ ngày 25-8-2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã xác định cần tổ chức chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phải đảm bản đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi. Sách đóng một vai trò thiết yếu trong việc mở mang tri thức, thúc đẩy con người hội nhập xã hội, giúp đời sống tinh thần của người dân phong phú hơn, gieo mầm những giá trị tốt đẹp.

Từ nhiều năm qua, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã nỗ lực đưa sách về với vùng đồng bào DTTS với nhiều hình thức như: Xây dựng tủ sách cơ sở, tổ chức những thư viện lưu động, tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, các ngày hội đọc sách... giúp người dân có nhiều cơ hội được đọc sách, nâng cao trình độ dân trí, tri thức. Tri thức cần phải tích lũy theo thời gian. Việc tiếp cận sách càng sớm sẽ càng giúp trẻ em vùng DTTS ý thức được tầm quan trọng của sách trong việc học tập, tích lũy kiến thức để giúp cho việc học tốt hơn, là nền tảng giúp cho cuôc sống tương lai trở nên tốt đẹp hơn.

Coi các hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân cả nước, đặc biệt vùng đồng bào DTTS, miền núi, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã khuyến khích các địa phương tổ chức nhiều hoạt động đưa văn hóa, văn nghệ về cơ sở, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho bà con.

Hằng năm, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao) các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các huyện, thành phố; tổ chức nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật các tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các đoàn về các xã, bản khó khăn biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ... Qua đó, góp phần tạo không khí tươi vui, phấn khởi cho nhân dân, nhất là bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, hưởng thụ văn hóa dân tộc. Đồng thời, góp phần lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân.

Ông Lý Liền Siểu, người có uy tín của bản Xín Chải (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) cho biết: “Vào những dịp lễ, Tết, xã, bản thường tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ. Đặc biệt, những dịp có diễn viên của tỉnh biểu diễn nghệ thuật hoặc chiếu phim lưu động, dân bản lại rủ nhau đi xem. Dù hiện nay đã có ti vi nhưng được xem trực tiếp, tôi thấy vẫn hay hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn được tuyên truyền về pháp luật, cách làm mới trong sản xuất... Các buổi buổi diễn văn nghệ, chiếu phim thực sự bổ ích, góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí cho bà con vùng sâu, vùng xa”.

Có thể nói, việc đưa văn hóa về cơ sở là một trong những việc làm đúng đắn, cần được phát triển nhằm thu hẹp khoảng cách văn hóa giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt vùng đồng bào DTTS, miền núi.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO