Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 10:30 GMT+7

Đưa tranh dân gian vào đời sống đương đại

Biên phòng - Nhiều năm nay, một số dòng tranh dân gian Việt Nam gần như biến mất hoặc cận kề với nguy cơ thất truyền. Việc phục hồi những dòng tranh này có thời gian tưởng như là không thể. Nhưng, nhờ nỗ lực của những người tâm huyết với nghệ thuật cổ truyền của cha ông, những tác phẩm mang hồn cốt dân gian này đang dần trở lại với công chúng. Trường hợp chàng họa sĩ 9X Nguyễn Xuân Lam là một minh chứng.

gjhh
Họa sĩ trẻ Xuân Lam tại triển lãm “Vẽ lại tranh dân gian” của mình. Ảnh: Thanh Thuận

Vẽ lại tranh dân gian

Xuân Lam sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Mảnh đất kinh kỳ, ngàn năm văn vật này như một mạch ngầm đã hun đúc, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong tâm hồn chàng trai trẻ. Xuân Lam rất yêu thích và muốn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội xưa đã bị mai một rất nhiều, thậm chí mất hẳn; trong đó có tranh Hàng Trống.

Tốt nghiệp chuyên ngành hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2016, Xuân Lam tiếp tục theo học khóa thiết kế đồ họa tại FPT Arena. Hành trình tìm về tranh dân gian của Xuân Lam bắt đầu từ một tình cờ. Trước đó, đầu tháng 4-2016, để tìm kiếm cảm hứng chuẩn bị bài tập tốt nghiệp, Xuân Lam đã tìm tới Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tại đây, anh đã vô tình bước vào khu vực trưng bày tranh dân gian và cảm thấy rất hứng thú với những sáng tạo truyền thống.

Xuân Lam đã xem và nghiền ngẫm kỹ tranh dân gian được trưng bày tại đây. Trong lúc xem tranh, bất chợt, ý tưởng vẽ lại tranh dân gian lóe sáng trong đầu Lam, anh đã quyết định vẽ lại những bức tranh dân gian quen thuộc như: “Ngũ hổ”, “Thần Kê”, “Đám cưới chuột”, “Lợn đàn”, "Bà Triệu cưỡi voi"... trong một diện mạo mới thông qua dự án “Vẽ lại tranh dân gian”. “Tôi muốn thử nghiệm một kiểu vẽ mới, kết hợp từ các bản vẽ chì cùng các mảng màu và công nghệ đặc trưng của đồ họa. Và, thế là Ngũ hổ, bức đầu tiên trong xê-ri tranh của tôi ra đời” - Xuân Lam tâm sự.

Khi vẽ lại tranh dân gian, Xuân Lam không dùng lại bản in khắc gỗ truyền thống mà cha ông đã từng làm mỗi dịp Tết đến, xuân về. Anh đã sử dụng bút chì để tạo nên bức vẽ, nhằm đảm bảo tính mộc mạc, truyền thống của dòng tranh dân gian, sau đó phối màu theo chủ quan của mình. Những mảng màu tự nhiên được anh đổ màu bằng phương pháp tạo mảng trong thiết kế đồ họa. Điều đó làm nên nét độc đáo trong những bức vẽ tranh dân gian của Xuân Lam.

Phong cách tranh của Xuân Lam thiên nhiều về chi tiết với thủ pháp đánh bóng tạo khối cho nhân vật. Vì thiên về chi tiết nên tất cả những hình ảnh đơn giản như đám mây, đôi mắt, họa tiết trên trang phục... đều được Xuân Lam làm mới và biến nó thành chất riêng của mình. Với niềm đam mê cái đẹp của các tác phẩm dân gian xưa cùng bàn tay khéo léo, chàng họa sĩ trẻ đã biến cái mộc mạc, tinh tế trong mắt người họa sĩ thành cái đẹp mà tất cả mọi người có thể nhìn ra. Hiện tại, Xuân Lam đã vẽ lại được 20 bức tranh dân gian theo phong cách hiện đại.

Dự án “Vẽ lại tranh dân gian” được Xuân Lam hoàn thành trong khoảng hơn 9 tháng. Đầu năm 2017, Xuân Lam đã giới thiệu tới đông đảo công chúng kết quả của dự án qua triển lãm cùng tên. Triển lãm không chỉ mang đến cho công chúng những tác phẩm hội họa dân gian qua phong cách đồ họa hiện đại và lăng kính nghệ thuật độc đáo, mà còn là cơ hội để mỗi người xem được sống lại không khí ngày Tết cổ truyền với những bức tranh tươi sáng, rực rỡ và ngập tràn không khí năm mới.

Ứng dụng tranh dân gian vào đời sống

Không dừng lại ở yếu tố thẩm mỹ, Xuân Lam đã ứng dụng những mẫu vẽ lại của mình vào các sản phẩm gắn liền với cuộc sống thường nhật. Anh cho biết: “Qua việc vẽ lại tranh dân gian, tôi hy vọng mang đến một vẻ đẹp hiện đại, độc đáo, kết hợp giữa tính thẩm mỹ và tính ứng dụng cho các tác phẩm nghệ thuật dân gian, mang lại không khí ngày Tết cổ truyền với các bức tranh dân gian rực rỡ, đậm giá trị thẩm mỹ và nhân văn. Từ dự án số hóa những họa tiết, bảng màu tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống, Đông Hồ để sáng tạo thành thiết kế đồ họa đương đại, tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho người trẻ để họ có thể bắt đầu một dự án cá nhân có liên quan hoặc được lấy cảm hứng từ mỹ thuật dân gian Việt Nam, một kho tàng tư liệu văn hóa đồ sộ, quý giá và đáng trân trọng” -  Xuân Lam bày tỏ.

Đầu năm nay, Xuân Lam tổ chức triển lãm và buổi nói chuyện với chủ đề “Tranh dân gian qua lăng kính của những nghệ sĩ trẻ”. Tại đây, người xem một lần nữa được chiêm ngưỡng những bức tranh theo phong cách dân gian với màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Bên cạnh đó là các sản phẩm như áo thun, áo bông in họa tiết từ tranh dân gian. Sản phẩm đã được đông đảo các bạn trẻ hưởng ứng, xếp hàng để được sở hữu những chiếc áo in họa tiết lạ mà quen. Theo Xuân Lam, đó là cách đem nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ một cách tự nhiên nhất.

Hiện tại, Xuân Lam đang cùng các nghệ sĩ trẻ như Trịnh Thu Trang đồng sáng lập "Họa sắc Việt", thực hiện dự án cung cấp tư liệu về màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống để ứng dụng vào thiết kế hiện đại sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển các tác phẩm của mình dựa trên kho tàng tranh dân gian tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bằng tình yêu nghệ thuật truyền thống và tài năng hội họa của mình, nghệ sĩ trẻ Xuân Lam đã kết hợp để tạo nên những bức tranh dân gian tươi mới, giới thiệu vẻ đẹp của dòng tranh dân gian xưa tới gần hơn với giới trẻ và những người yêu nghệ thuật truyền thống; đồng thời, tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao, thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp yêu nghệ thuật dân gian Việt. Những việc làm ấy của Xuân Lam đã mang đến “luồng gió” mới trong việc khôi phục, bảo tồn các di sản văn hóa Việt Nam.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO