Biên phòng - Tại Hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường TTPBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 24-9-2019, tại tỉnh Đắk Lắk, nạn di dịch cư tự do (DDCTD), tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH, HNCHT) được nhận diện là “vật cản” lớn nhất trên con đường phát triển bền vững...
Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thực trạng DDCTD đến các tỉnh Tây Nguyên có giảm so với trước, nhưng tính chất phức tạp lại có chiều hướng gia tăng. Riêng địa bàn biên giới, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, đã có 739 hộ/3.208 người DDCTD, “rải đều” ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước. Bên cạnh nạn DDCTD, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ các tỉnh phía Bắc vào, địa bàn biên giới Tây Nguyên còn phải tiếp nhận “những vị khách không mời” đến từ các địa phương lân cận.
Ngày 19-2-2019, có 49 hộ gia đình với 127 nhân khẩu người dân tộc M’Nông ở xã Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước di cư sang sinh sống trái phép tại khu vực lâm phần xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Sau nhiều ngày tuyên truyền, vận động và dùng đến cả biện pháp cưỡng chế tháo dỡ, chính quyền và các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông mới di dời được số hộ cư trú trái phép này trở về nơi ở cũ. Rõ ràng DDCTD không chỉ phá vỡ các quy hoạch, kế hoạch của địa phương, mà còn làm xáo trộn đời sống của người dân tại chỗ, làm phát sinh những vấn đề xã hội phức tạp.
Không rầm rộ, mang tính tổ chức, như nạn DDCTD, thực trạng TH, HNCHT trong đồng bào DTTS vùng biên giới các tỉnh Tây Nguyên cũng đang ở “ngưỡng báo động”. Riêng nạn tảo hôn, Tây Nguyên đang ở vị trí “á quân” của cả nước, với tỷ lệ 15,8% (miền núi phía Bắc cao nhất, với 18,9%).
Nạn TH, HNCHT là nguồn cơn chính kéo nhiều gia đình ra vào vòng luẩn quẩn: Nghèo nàn - lạc hậu - suy thoái. Trong khi xuất phát điểm đã chậm hơn so với miền xuôi thì đâu đó trên vùng biên giới Tây Nguyên, vẫn có những đứa trẻ phải sống trong cảnh thiếu hụt cả về chất lượng giống nòi, chất lượng cuộc sống và kỹ năng nuôi dạy. Đây không chỉ là “vật cản” trên con đường phát triển, mà còn là “kéo lùi” đời sống của đồng bào, tạo nên sự tụt hậu. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, địa bàn biên giới các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông đã xảy ra hơn 600 trường hợp tảo hôn và 4 cặp kết hôn cận huyết thống. So với thực tế, con số này còn rất “khiêm tốn”, bởi nạn tảo hôn đang diễn ra trên khắp các khu dân cư đồng bào DTTS ở biên giới. Và rõ ràng, đây là thực trạng rất đáng báo động.
Tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác TTPBGDPL cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vừa được tổ chức tại Đắk Lắk, ngày 24-9, ba “đại nạn” nói trên được nhận diện là một trong những “vật cản” lớn nhất trên con đường tiến tới sự phát triển.
Trong khi, với nạn DDCTD cần xử lý cương quyết với những chế tài đủ mạnh, thậm chí phải xử lý trách nhiệm hình sự thì nạn TH, HNCHT lại coi trọng công tác phòng để chống. Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra tại hội nghị này, trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đóng vai trò quan trọng nhất. Đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tỉnh đoàn Đắk Lắk cho rằng, bên cạnh việc cải thiện, nâng cao trình độ nhận thức cho người dân, cần xây dựng những mô hình sinh hoạt cộng đồng (câu lạc bộ) để tập hợp các đối tượng cùng tham gia, tạo nên môi trường lành mạnh nhất để cùng nhau phát triển.
Tham luận của đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh thêm đến việc thực thi nghiêm pháp luật trong công tác phòng chống TH, HNCHT, cần phải xử lý mạnh tay, nhất là đối với những trường hợp đối tượng vi phạm là người thân, thậm chí là cán bộ, đảng viên. Tất nhiên, việc xử lý mạnh đối với những đối tượng này, trong điều kiện dân trí thấp, khó khăn về kinh tế là không hề đơn giản, nhưng “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, chúng ta không thể mãi “đề phòng” khi thực trạng vẫn cứ diễn ra một cách dai dẳng. Thiết nghĩ, đối với cán bộ, đảng viên có người thân vi phạm thì cần phải xem xét, xử lý ngay.
Là một trong những địa phương có tình trạng TH, HNCHT cao nhất trên địa bàn Tây Nguyên, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho rằng, bên cạnh tuyên truyền vận động, từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống người dân vùng biên giới, cũng cần xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm và khi áp dụng những biện pháp xử lý hành chính thì cần xử phạt theo hương ước, quy ước với tất cả các thành viên trong cộng đồng. Nghĩa là ai vi phạm cũng đều bị phạt, bởi có phạt mới biết lỗi, kể cả người không biết chữ cũng nhận thức được điều này.
Việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ cơ sở đối với công tác thực thi pháp luật trên địa bàn biên giới cũng hết sức quan trọng, bên cạnh những mặt đã đạt được, đâu đó vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế về trình độ, năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở. Phát biểu tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác TTPBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường TTPBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” Bộ Quốc phòng đã chỉ ra 3 tồn tại cơ bản cần phải khắc phục, trong đó, công tác quản lý dân cư trên địa bàn có nơi, có lúc chưa chặt chẽ nên chưa nắm bắt kịp thời những khó khăn, bức xúc về đời sống sản xuất của nhân dân.
Việc tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật hôn nhân và gia đình, các hệ lụy của TH, HNCHT chưa có nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả có lúc chưa cao. Chính vì vậy, công tác TTPBGDPL cần phải được triển khai thường xuyên, đồng bộ, kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân khu vực biên giới. Các cấp, các ngành, các lực lượng cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội để từng bước đưa pháp luật vào nhịp sống vùng biên, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững.
Thái Kim Nga