Biên phòng - Sau gần 5 năm thực hiện chương trình "Chung tay kết nghĩa Đồn - Trạm hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên" trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, một trong những công tác mà các đơn vị bảo vệ biên giới hai nước đã làm tốt là tăng cường phối hợp triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho cán bộ, nhân dân hai bên biên giới và người qua lại cửa khẩu. Việc các đơn vị kết nghĩa phối hợp TTPBGDPL, đã tạo ra bước chuyển biến trong nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân hai bên biên giới. Phóng viên (PV) Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP về vấn đề này.

PV: Đề nghị Thiếu tướng cho biết những kết quả nổi bật trong thực hiện TTPBGDPL cho cán bộ và nhân dân hai bên biên giới Việt Nam – Trung Quốc thời gian qua?
Thiếu tướng Lê Như Đức: Mô hình "Chung tay kết nghĩa Đồn - Trạm hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên" là sáng kiến của BĐBP Việt Nam được các đơn vị bảo vệ biên giới của Trung Quốc nhiệt tình hưởng ứng. Trong việc kết nghĩa có nội dung TTPBGDPL cho nhân dân hai bên biên giới. Thực hiện quy chế kết nghĩa, các đơn vị hai bên phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến cho công dân hai nước và công dân các nước khác qua lại biên giới chấp hành tốt các hiệp ước, hiệp định song phương, văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới chung, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như tuyên truyền bằng miệng, phát tờ rơi bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh...
Từ năm 2014 đến nay, 60 cặp cửa khẩu kết nghĩa đã tuyên truyền được 165 đợt với 40.380 lượt người, phát hàng nghìn tờ rơi, hàng trăm băng, đĩa về các văn bản pháp luật liên quan đến biên giới, chủ quyền lãnh thổ. Trong quá trình tuần tra chung và ký kết kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới, hai bên đã phối hợp tổ chức tuyên truyền cho người dân lao động sản xuất, làm ăn ở hai bên biên giới hiểu và nắm vững pháp luật của mỗi nước để chấp hành tốt hơn.
Trong 4 năm lực lượng bảo vệ biên giới hai nước phối hợp thực hiện TTPBGDPL, nhận thức pháp luật của người dân hai bên biên giới được nâng lên, khi có dấu hiệu vi phạm chủ quyền, vi phạm quy chế biên giới, nhân dân hai bên thông báo cho lực lượng bảo vệ biên giới mỗi nước để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
PV: Thưa Thiếu tướng, để nhân dân hai bên biên giới hiểu rõ và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, các đơn vị đã chú trọng những vấn đề gì và có phương pháp sáng tạo nào?
Thiếu tướng Lê Như Đức: Bảo vệ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển là nghĩa vụ và trách nhiệm của quân dân hai nước. Để giúp công dân hai nước đề cao tính “thượng tôn pháp luật”, các đơn vị kết nghĩa trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã tham mưu và phối hợp với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, địa phương hai nước đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tuân thủ các quy định của pháp luật về biên giới đã được hai nhà nước ký kết như: Quy chế quản lý biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc và Luật Biên giới quốc gia Việt Nam...
Để pháp luật đi vào cuộc sống, thời gian qua nhiều đơn vị có những cách làm hay, sáng tạo như: 8 đơn vị kết nghĩa của BĐBP Lào Cai với 11 đơn vị phía bạn luân phiên phối hợp đến các thôn, bản của hai bên tuyên truyền pháp luật, ngoài ra còn thực hiện tuyên tuyền nhỏ lẻ trong các đợt tuần tra song phương. Hoặc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh thực hiện lồng ghép hiệu quả việc TTPBGDPL vào các hội chợ thương mại, hội chợ du lịch và các tiết mục của chương trình giao lưu hát đối trên sông Bắc Luân, được tổ chức hằng năm giữa nhân dân thành phố Móng Cái và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc); Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng tham mưu cho Hội Phụ nữ huyện Phục Hòa, Cao Bằng tổ chức các hoạt động hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Long Châu, Quảng Tây (Trung Quốc) tuyên truyền phòng, chống ma túy; tuyên truyền các hiệp định, nghị định song phương của hai quốc gia về biên giới; chương trình quản lý xã hội, xây dựng “Vùng biên giới hài hòa, bình yên”... Thông qua những hoạt động này đã thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân hai bên, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.


PV: Theo đánh giá của cơ quan chức năng hai nước Việt Nam – Trung Quốc, hiện nay ở một số nơi, công tác phối hợp TTPBGDPL vẫn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu. Đề nghị Thiếu tướng nói rõ hơn về vấn đề này?
Thiếu tướng Lê Như Đức: Thời gian qua, việc phối hợp triển khai công tác TTPBGDPL cho nhân dân, cán bộ hai bên biên giới còn gặp một số khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất của nhân dân hai bên biên giới. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân cả hai bên biên giới chưa đồng đều, cá biệt còn một bộ phận người dân vì lợi ích vật chất đã cố tình vi phạm pháp luật như buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu... Một vài nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, chưa chú tâm nghiên cứu những đặc điểm tình hình thực tế đợn vị và địa phương để đưa ra những giải pháp tuyên truyền hiệu quả cho nhân dân, dẫn đến công tác tuyên truyền có nội dung chưa nhanh nhạy và chưa phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, thực tế của từng vùng biên giới.
Trong thời gian tới, các đơn vị bảo vệ biên giới hai bên sẽ làm tốt hơn hoạt động "Chung tay kết nghĩa Đồn - Trạm hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên", kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Trong đó có việc thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng hơn nữa. Đồng thời, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư, đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền pháp luật, nhất là trong các dịp lễ hội của nhân dân hai bên biên giới, tạo sức lan tỏa, khích lệ cán bộ, nhân dân tìm hiểu, nâng cao nhận thức pháp luật, nhằm hạn chế vi phạm quy chế, hiệp định, hiệp nghị biên giới..., cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Viết Hà (Thực hiện)