Biên phòng - Sau gần 2 năm triển khai Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đồng thời phát huy tốt vai trò chủ trì của BĐBP trong việc tiếp tục thực hiện đề án ở khu vực biên giới, hải đảo. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Ngay sau khi tổng kết Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016”, trước hiệu quả của đề án mang lại, tháng 1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho Bộ Quốc phòng phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố biên giới, bờ biển và các bộ, ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện đề án đến hết năm 2021. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện đề án, các đơn vị, địa phương đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo.
Trong đó, cấp Trung ương, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban; Bộ Tư lệnh BĐBP là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện đề án; thành viên là lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và cán bộ cấp vụ, cục thuộc các bộ: Tư pháp, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các địa phương, đơn vị cũng nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện đề án và xây dựng các văn bản triển khai thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, sát với thực tế của địa phương mình. Với sự kiện toàn kịp thời Ban chỉ đạo, tổ giúp việc, cùng hệ thống văn bản hướng dẫn đã giúp cho cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện đề án đúng yêu cầu, góp phần quan trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL ở các địa phương, đơn vị thời gian qua.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài việc tuyên truyền PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đồn Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị quân đội đứng chân ở địa bàn biên giới, biển đảo thành lập được 259 Tổ tuyên truyền pháp luật (mỗi tổ từ 3-5 báo cáo viên). Định kỳ hàng tháng, các thành viên xuống các thôn, bản trực tiếp tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho cán bộ và nhân dân theo từng nhóm đối tượng liên quan đến tình hình an ninh trật tự đang nổi lên ở địa bàn, những văn bản pháp luật mới ban hành...
Gần hai năm qua, các Tổ tuyên truyền đã thực hiện được 16.512 buổi tuyên truyền cho hơn 200.000 lượt người nghe. Đồng thời, thông qua cơ chế phối hợp giữa BĐBP Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, các đồn Biên phòng còn thường xuyên thông báo cho các đơn vị bảo vệ biên giới nước láng giềng những văn bản, quy định của Nhà nước, các bộ, ngành địa phương của Việt Nam có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới, để làm cơ sở phối hợp xử lý tốt các trường hợp vi phạm quy chế khu vực biên giới, không làm phức tạp tình hình.
Lực lượng Cảnh sát Biển, Hải quan và các quân khu đã thành lập Tổ tuyên truyền PBGDPL trên tàu, hải đội, cụm và vùng cho cán bộ, nhân dân, ngư dân đi biển được 276 buổi với trên 100.000 lượt người tham gia; cấp phát hơn 100.000 cuốn Luật Biển Việt Nam và các nghị định, thông tư liên quan đến tổ chức hoạt động của Cảnh sát Biển; 8 loại tờ rơi có hình minh họa về những việc không được làm và điều ngư dân cần biết...
Ngoài ra, Ban chỉ đạo đề án các tỉnh, thành còn gắn việc triển khai đề án với các chương trình đang triển khai ở địa phương để lồng ghép các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với trình độ, nhận thức của cán bộ, nhân dân, như phát đĩa DVD tiểu phẩm pháp luật, xây dựng các cụm pano, áp phích, phát tờ rơi, tờ gấp có nội dung đơn giản, dễ hiểu, bằng tiếng dân tộc (như tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Giang, Sơn La...).
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP, Phó ban Chỉ đạo đề án cho biết: Nhiều mô hình, cách làm hay được coi là giải pháp đột phá để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thực sự “đi vào lòng” cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, bờ biển, làm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Đó là tổ chức “Ngày pháp luật” ở các đồn Biên phòng và đơn vị quân đội thông qua mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” của BĐBP Cao Bằng; “Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật” của BĐBP Quảng Ninh; “Mô hình tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn ở các tỉnh ven biển”.
Hay công tác tuyên truyền PBGDPL gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thông qua các mô hình “Ánh sáng an ninh”, “Làng văn hóa”, “Bản an toàn” của BĐBP Sơn La, Điện Biên; “Bốn giảm” của BĐBP Lào Cai (giảm xuất cảnh trái phép, giảm người nghiện ma túy, giảm hoạt động tôn giáo trái pháp luật, giảm tai nạn giao thông).
Cùng với đó, các đồn Biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn biên giới, hải đảo thành lập các câu lạc bộ tư vấn pháp luật tại trung tâm xã, hằng tuần tổ chức tư vấn pháp luật cho bà con ngay tại phiên chợ. Điển hình như chương trình “Phổ biến chính sách và tư vấn pháp luật”, tổ chức đội tàu thuyền bám biển vừa đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của BĐBP Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An...
Song song với đó, các đồn Biên phòng còn phối hợp với các xã, phường xây dựng hơn 400 ngăn sách, tủ sách pháp luật; túi sách pháp luật lưu động phục vụ bà con ngư dân đi biển dài ngày hoặc nhân dân các cụm bản giáp biên...
Có thể nói, thông qua tuyên truyền PBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chủ quyền biên giới, biển đảo cho cán bộ và nhân dân; giúp bà con vùng biên giới chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ngư dân ven biển chấp hành nghiêm các quy định, không vi phạm vùng biển nước khác để khai thác hải sản trái phép; tình trạng vi phạm pháp luật giảm dần theo từng năm.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đề án cũng còn bộc lộ một số hạn chế do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự coi trọng công tác tuyên truyền PBGDPL; việc nhân rộng mô hình cách làm hay của giai đoạn trước còn hạn chế nhất định.
Để Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” tiếp tục phát huy hiệu quả, theo Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, thời gian tới, công tác tuyên truyền PBGDPL phải được triển khai thường xuyên, đồng bộ, kịp thời; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng chấp hành pháp luật cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biến giới quốc gia.
Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở những địa phương thường xuyên xảy ra vi phạm pháp luật, kỷ luật. Đồng thời, cần làm tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới, hải đảo để có biện pháp tuyên truyền phù hợp.
Hương Mai