Biên phòng - Ý thức chấp hành pháp luật của người Ma Coong được nâng lên, các tập tục lạc hậu dần được loại bỏ khỏi đời sống, tình hình an ninh chính trị ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Đó là những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình.

Người Ma Coong định cư trên những ngọn núi cao của dãy Trường Sơn, hệ thống giao thông, cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân còn nhiều khó khăn. Những năm trước, người Ma Coong vẫn duy trì những tập tục lạc hậu và có phần hà khắc, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Cụ thể như, khi người mẹ sinh con ra không may tử vong thì người con cũng bị chôn sống theo, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra phổ biến. Từ thực tế này đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức pháp luật của đồng bào, góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” đối với cộng đồng người Ma Coong, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Roòng đã chủ động phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, lực lượng chức năng, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên cho người dân trên địa bàn. Đơn vị vận dụng linh hoạt và đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức, phong tục, tập quán của người dân như: Tuyên truyền tập trung, qua hệ thống loa truyền thanh, tủ sách pháp luật, cấp phát tờ rơi...
Cùng với đó, nội dung tuyên truyền luôn gắn với đời sống thường nhật cũng như thói quen, phong tục, tập quán của người dân, trọng tâm là tuyên truyền về chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Biên giới quốc gia, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam... Với việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, kết hợp với nội dung cụ thể, gần gũi nên người dân “dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện”, qua đó, họ dần thay đổi về nhận thức và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Ông Đinh Bột, 66 tuổi, già làng của bản Chăm Pu chia sẻ: “Người Ma Coong mình sống ở trên núi cao, xa con đường lớn, xa huyện, xa tỉnh, nên trình độ nhận thức về pháp luật của bà con còn thua miền xuôi nhiều lắm. Được BĐBP và cán bộ xã thường xuyên đến tuyên truyền nên người dân cũng hiểu ra nhiều rồi. Bây giờ, người Ma Coong không còn chôn con theo người mẹ đã chết, trẻ con không còn lấy vợ, lấy chồng khi còn nhỏ, thanh niên đi xe máy luôn đội mũ bảo hiểm và không chạy nhanh, cả bản không còn ai sang bên kia biên giới để phát rẫy nữa. Mọi người đều thực hiện nghiêm pháp luật như lời của cán bộ Đồn Biên phòng Cà Roòng tuyên truyền để giúp BĐBP giữ biên giới”.
Song song với công tác tuyên truyền, nhiều mô hình và phong trào phổ biến pháp luật cũng được Đồn Biên phòng Cà Roòng triển khai đồng bộ và hiệu quả, đó là các mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, “Tiết học ngoại khóa về pháp luật nơi biên giới” cho các cháu học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, mô hình “Tổ tuần tra nhân dân”... Đơn vị cũng tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập 4 tổ/9 hộ gia đình/117 thành viên tham gia “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; 10 tổ/50 thành viên tham gia “Tổ tự quản an ninh trật tự bản”; có 330 hộ của 10 bản do đồn phụ trách đã tự nguyện ký cam kết thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”, đạt tỷ lệ 100%.
Trung tá Nguyễn Chí Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Roòng cho biết: “Để tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, ngoài việc triển khai thực hiện các mô hình, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, giáo dục những người khác trong cộng đồng dân cư. Mặt khác, đơn vị luôn chú trọng đến việc xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, các công trình dân sinh, chính sách an sinh xã hội... để từ đó, người dân giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.
Từ kết quả thực hiện đề án, tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn đã giảm đáng kể. Nếu như trước đây, tình trạng xâm canh, xâm cư, lấy chồng hai bên biên giới không báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thì nay, những hiện tượng này gần như chấm dứt. Người dân am hiểu hơn về pháp luật, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Thông qua triển khai thực hiện đề án đã giúp cán bộ và nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn biên giới quốc gia, đường biên, cột mốc, nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, gây bất ổn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Với nhiều biện pháp thiết thực, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng đã không ngừng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tộc người Ma Coong, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn đồng bào, giúp người dân nhận thức tốt trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn biên giới.
Nguyễn Thành Phú