Biên phòng - Trong giai đoạn 2021-2030, các địa phương vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi sẽ được phân định theo tiêu chí trình độ phát triển. Chủ trương này sẽ là cơ sở xác định đối tượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác, xác định được địa bàn cần ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ năm 1996. Đây là căn cứ quan trọng để áp dụng các chính sách dân tộc, ưu tiên đầu tư đối với những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhất, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền ngược với miền xuôi, giữa đồng bào DTTS với người đa số và giữa các DTTS trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số bất cập như: Không đề cập, tính toán đến tỷ lệ hộ DTTS, dẫn đến việc “cào bằng”, địa phương có ít người DTTS cũng được hưởng các chính sách như địa phương có đông đồng bào DTTS. Do đó, nguồn lực thực hiện các chính sách bị dàn trải, thiếu tập trung. Thêm vào đó, tâm lý của các địa phương muốn có nhiều thôn, xã đặc biệt khó khăn để được đầu tư, thụ hưởng chính sách từ ngân sách Trung ương nên một số nơi tổ chức phân định chưa phù hợp với tiêu chí và điều kiện thực tế...
Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã giao Chính phủ “Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”. Trên cơ sở này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 10-3-2020, giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định Bộ tiêu chí phân định cụ thể và quyết định công nhận danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I. Cơ quan chủ trì soạn thảo Ủy ban Dân tộc đã dự thảo quyết định tiêu chí và kết quả phân định sơ bộ vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Để phân định vùng DTTS phù hợp với thực tế, Nghị quyết 28/NQ-CP đã quy định vùng đồng bào DTTS và miền núi được xác định bao gồm: Xã có từ 15% trở lên số hộ DTTS sinh sống ổn định thành cộng đồng; thôn có từ 15% trở lên số hộ DTTS sinh sống ổn định thành cộng đồng. Đối tượng áp dụng là các thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp... (gọi chung là thôn) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo dự thảo của Ủy ban Dân tộc, phân định vùng DTTS và miền núi theo tiêu chí mới, vùng DTTS và miền núi giảm 1.851 xã không có hoặc có rất ít đồng bào DTTS sinh sống. Số thôn đặc biệt khó khăn đầu tư theo các chương trình giảm 2.767 thôn, số xã đặc biệt khó khăn giảm 398 xã. Nếu tính riêng ngân sách đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, ngân sách giảm 1.223 tỷ đồng.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, theo cách tính mới, các xã thuộc các khu vực được phân định theo trình độ phát triển có sự biến động, trong đó, xã khu vực I tăng 348 xã; xã khu vực II giảm 1.682 xã; xã khu vực III giảm 398 xã so với giai đoạn 2016-2020.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ: “Do thay đổi các tiêu chí trong việc xác định vùng DTTS và miền núi, việc phân định thôn, xã đặc biệt khó khăn không tránh khỏi ý kiến trái chiều của các địa bàn trước đây được xác định thuộc vùng DTTS và miền núi đang được thụ hưởng nhiều chính sách. Tuy nhiên, việc đưa ra khỏi vùng DTTS những xã không có hoặc ít người DTTS sinh sống là phản ánh đúng thực tế, đảm bảo quy định của pháp luật và Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc. Đây là điều kiện để nâng định mức, ưu tiên đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn có đông đồng bào DTTS sinh sống, đảm bảo được quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, việc đưa tỷ lệ hộ DTTS vào tiêu chí phân định sẽ phản ánh thực chất hơn chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta còn hạn chế mà nhu cầu đầu tư lớn, việc phân định tiêu chí vùng đồng bào DTTS sẽ tạo điều kiện để tập trung nguồn lực vào các nơi thực sự khó khăn, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Để lắng nghe các ý kiến từ cơ sở, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025”, với sự tham gia của các địa phương vùng DTTS và miền núi. Tại hội thảo, các ý kiến từ đại diện các địa phương đều cho rằng, việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển là rất cần thiết, để làm căn cứ triển khai thực hiện các kết luận, nghị quyết của Đảng và Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các đại biểu đã đóng góp cụ thể về tiêu chí phân định cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, như: Xem xét đối với những xã, thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc thị trấn; xem xét về tiêu chí vùng DTTS và miền núi với 15% trở lên số hộ đồng bào DTTS sinh sống, bởi nhiều khu vực rất khó khăn, đồng bào DTTS sống đan xen nên không đủ tiêu chí số hộ; đề nghị bổ sung thêm tiêu chí về số hộ cận nghèo; có quy định đặc biệt cho các xã biên giới, bãi ngang ven biển...
“Phía cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của địa phương để hoàn thiện tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu để có những quy định riêng đối với những trường hợp cá biệt. Để bảo đảm tính khách quan, khoa học, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp để thống nhất ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết.
Cẩm Linh