Biên phòng - Nhiều năm qua, ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, sinh nhiều con... gây nhiều hệ lụy đối với gia đình và xã hội. Trước thực trạng đó, các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới đã phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, cũng như công tác Dân số-kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho nhân dân trên địa bàn. Những hoạt động thiết thực của BĐBP đã từng bước nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đồng thời, cải thiện chất lượng dân số ở khu vực này.

Sơn Vĩ là xã biên giới xa xôi, hẻo lánh thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Cả xã có 19 thôn, là nơi sinh sống của cộng đồng 8 DTTS là Mông, Giáy, Tày, Nùng, Dao, Hoa..., trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 85% dân số. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo thuộc nhóm cao của cả nước, trình độ dân trí còn hạn chế. Chính vì vậy, nhận thức, hiểu biết của người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, công tác Dân số-KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Nơi đây còn xảy ra tình trạng tảo hôn là một minh chứng cho sự thiếu kiến thức, hiểu biết pháp luật của người dân.
Nhiều năm về trước, nơi bản làng xa xôi của xã Sơn Vĩ còn xảy ra tình trạng tảo hôn. Tảo hôn là tình trạng lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định (nam chưa đủ 20 tuổi trở lên và nữ chưa đủ 18 tuổi trở lên). Đây là điều cấm được pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và 2014. Đây là vấn đề xã hội phức tạp và nan giải, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Tảo hôn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, mà còn kéo lùi sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn sẽ có tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh tật, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển..., khả năng tử vong cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác.
Thiếu tá Vừ Mí Chứ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang cho biết: “Những năm về trước, tình trạng tảo hôn còn diễn ra nhiều trên địa bàn xã Sơn Vĩ. Thường vào dịp sau Tết Nguyên đán, có khoảng 10-15 người tảo hôn. Xác định rõ những hệ lụy khôn lường từ tình trạng tảo hôn làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số, ảnh hưởng về lâu dài đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như công tác Dân số-KHHGĐ cho nhân dân địa bàn”.
Công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, KHHGĐ được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ lồng ghép trong các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã thực hiện được 6 buổi tuyên truyền tập trung tại các thôn, bản trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền theo quy định của pháp luật như bình đẳng giới, độ tuổi kết hôn theo pháp luật quy định, quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, các hành vi bị cấm, thực hiện KHHGĐ... Các nội dung đó được các anh truyền tải cả bằng tiếng Mông và tiếng phổ thông. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ cũng làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, kết hợp tới tận nhà, lên tận nương rẫy của các gia đình có con, cháu có ý định tảo hôn để vận động bà con thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và Gia đình; thực hiện KHHGĐ.
Mưa dầm thấm lâu, “quả ngọt” mà các anh “gieo hạt” đó chính là đồng bào DTTS ở xã Sơn Vĩ luôn nghe theo lời bộ đội, chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, công tác Dân số-KHHGĐ để nuôi dạy con cho tốt. “Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn xã Sơn Vĩ đã không còn xảy ra hiện tượng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS. Luật Hôn nhân và Gia đình đã dần đi vào nếp nghĩ, cách làm của đồng bào nơi đây” - Thiếu tá Vừ Mí Chứ phấn khởi chia sẻ với chúng tôi.
Cũng như vậy, ở xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, toàn xã có 19 thôn, bản với 60% đồng bào người dân tộc Bru-Vân Kiều. Do tập tục lạc hậu và nhận thức, kiến thức pháp luật cũng như việc chấp hành pháp luật của đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế, nên tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra. Các gia đình muốn con cái mình lấy chồng sớm để có thêm lao động trong nhà. Điều kiện học tập, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội của các em cũng hạn chế, thiếu thốn, nên nhiều em chỉ muốn nghỉ học, kết hôn, làm rẫy kiếm sống. Đồng bào Bru-Vân Kiều dựng vợ, gả chồng cho con từ rất sớm (từ 14 đến 17 tuổi). Quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, hứa hôn sớm, cùng với tục lệ bắt vợ, “nối dây” đã dẫn đến cưỡng ép hôn nhân sớm... Kết hôn sớm cộng với thiếu hiểu biết pháp luật nên không ít vụ bạo hành gia đình đã xảy ra.

Đứng chân trên địa bàn xã Trường Sơn, thời gian qua, Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, gắn với các vấn đề như: chỉ kết hôn khi đủ tuổi, không kết hôn cận huyết thống và thực hiện KHHGĐ. Nhiều hình thức tuyên truyền được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô áp dụng như: tuyên truyền trên loa phát thanh, phát tờ rơi, mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Đặc biệt, đơn vị đã lồng ghép tuyên truyền trong những buổi sinh hoạt tại các thôn, bản hoặc đến từng nhà dân. Từ chỗ người dân hiểu biết về pháp luật sẽ thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, công tác Dân số-KHHGĐ.
Không chỉ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ và Đồn Biên phòng Làng Mô, mà nhiều đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới luôn nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, công tác Dân số-KHHGĐ với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn giúp dân phát triển kinh tế, an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhận thức của người dân cũng từ đó được nâng lên rõ rệt. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của người lính quân hàm xanh được đền đáp khi người dân tin tưởng bộ đội, chấp hành nghiêm pháp luật, góp phần đưa chất lượng dân số, đời sống đồng bào DTTS ngày càng đi lên.
Thùy Trang