Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 12:52 GMT+7

Đưa hoạt động khai thác hải sản vào khuôn khổ pháp luật

Biên phòng - Thực hiện những vấn đề còn tồn tại theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, thời gian qua, các đơn vị BĐBP Quảng Ngãi đã tích cực vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, thực hiện đúng và đủ quy trình truy xuất nguồn gốc hải sản, kiểm soát tàu cá hành nghề trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ngãi tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Văn Tánh

Chuẩn bị ra Hoàng Sa khai thác hải sản, ngư dân Phạm Văn Mãng, thuyền trưởng tàu cá QNg 90709TS, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải đến tàu tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh còn hướng dẫn ông phương pháp kê khai nhật ký hành trình để chứng minh nguồn gốc hải sản.

Được căn dặn tỉ mỉ trước khi ra khơi, ngư phủ Phạm Văn Mãng phấn khởi nói: Hơn 30 năm theo nghiệp biển, chúng tôi chủ yếu đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Mong sao làm ăn thuận lợi, tích lũy tiền bạc trả nợ vay vốn đóng tàu. Dù có khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng không bao giờ vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép.

Len lỏi qua hàng chục tàu cá đang neo đậu tại các bến bãi ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Đại úy Trần Thế Vinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi cùng đồng đội ôm tập tờ rơi đến gặp gỡ, cấp phát cho từng ngư dân. Những thông tin cần thiết được in trên các tờ rơi đã giúp cho bà con nắm rõ các chế tài xử lý vi phạm chủ quyền của những nước có vùng biển giáp ranh với Việt Nam. Đại úy Trần Thế Vinh cho hay, ngay đầu mùa biển năm 2020, đơn vị đã chủ động triển khai lực lượng nghiệp vụ bám bến bãi, tàu thuyền và bám ngư dân. Từng tổ đội công tác về các thôn, xóm tuyên truyền, vận động bà con khai thác hải sản đúng vùng, đúng tuyến và đúng ngành nghề đăng ký.

Đại úy Trần Thế Vinh thông tin: Ngư dân hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa năm nào cũng bị tàu thuyền các lực lượng phía Trung Quốc tông va, xua đuổi, cưỡng đoạt tài sản. Một số phương tiện dịch chuyển xuống phía Nam đánh bắt cho an toàn. Từ đây, một số chủ tàu manh nha đưa phương tiện ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Những “phi vụ” ban đầu làm ăn trót lọt đã lôi kéo nhiều người tham gia vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ. Năm 2019, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành quy định của Chính phủ về chống khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định. Những nỗ lực của Đồn Biên phòng Bình Hải đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thời gian này, các đồn Biên phòng ở tỉnh Quảng Ngãi tăng cường vận động ngư dân đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Một số chủ tàu chưa nhận thức đầy đủ về tính năng, tác dụng và lợi ích của thiết bị này mang lại, nhưng qua công tác tuyên truyền của BĐBP, ngư dân biết đây là quy định bắt buộc nên khẩn trương lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ và chủ động lắp đặt để vươn khơi sản xuất. Nhấc tổ hợp điện thoại thiết bị giám sát hành trình, ngư dân Đặng Thanh Hùng, chủ phương tiện, kiêm thuyền trưởng tàu cá QNg 92395TS gọi cho bạn tàu và gia đình để kiểm tra tín hiệu kết nối liên lạc trước khi ra biển. Ông Hùng cho biết, đây là chỉ đạo của Thủ tướng nên mình phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Đại úy Trần Thế Vinh cho biết: Trước đây, xã Bình Châu là địa phương “đứng đầu” về số lượng tàu thuyền, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài so với toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong năm 2019 và cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào bị nước ngoài bắt giữ. Đây là nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền cũng như các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, trong đó có cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là trang bị mới, ngoài chi phí ban đầu dao động từ 18-24 triệu đồng, ngư dân còn phải trả khoản tiền thuê bao hằng tháng và chi phí phát sinh cho từng phút gọi. Cân nhắc, đắn đo là điều không tránh khỏi, nhất là đối với chủ tàu làm ăn thua lỗ, nằm bờ. Tuy nhiên, ngoài phục vụ công tác quản lý tàu cá theo quy định của pháp luật và từng bước đáp ứng các khuyến cáo về chống khai thác bất hợp pháp của Ủy ban châu Âu thì thiết bị giám sát hành trình tàu cá còn giúp ngư dân rút ngắn khoảng cách biển - bờ, giúp họ thông tin kịp thời để vượt qua thiên tai, bất trắc trong quá trình hoạt động trên biển.

Vì vậy, kết hợp với công tác tuyên truyền, các đơn vị BĐBP trong tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ở các bến bãi, cửa sông cửa lạch..., kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu cá hành nghề ở các vùng biển xa khi chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định.
Theo Đại úy Lâm Đình Hiếu, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cổ Lũy, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ: Hiện nay, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con nắm được tác dụng, ý nghĩa của thiết bị giám sát hành trình tàu cá để họ lắp đặt đúng thời gian quy định. Đối với các phương tiện có chiều dài từ 15m trở lên, nếu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá thì không giải quyết cho đi biển.

Văn Tánh

Bình luận

ZALO