Biên phòng - “Nỗi vất vả rồi cũng trở nên quen thuộc. 30 năm quay trở về vùng cao nhận công tác, tôi vẫn còn thấy có lớp học như “chuồng trâu”... - Giọng cô Đào Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 1 Huổi Luông chùng xuống khi nói về ngôi trường mình phụ trách.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô giáo, sau 2 giờ trèo đèo, lội suối, vượt những dốc đá dựng đứng qua vực sâu thăm thẳm, chúng tôi đã đặt chân tới điểm trường Huổi Luông 2 nằm chơ vơ trên đỉnh núi. Điểm trường này có 3 phòng học, được “xây” bằng những nẹp nứa ép vào nhau. Mỗi phòng rộng chưa đến 13m2. Mái lợp một bên là tôn, một nửa còn lại mái lá rừng. Trong phòng học chỉ có 4 bộ bàn ghế gỗ ọp ẹp và tấm bảng ghép từ những mảnh gỗ.
Bên trong các phòng học ọp ẹp, trống huơ trống hoắc đó, các cô cậu học trò da đen sạm, chân trần mải mê học bài. Để biết được con chữ, những em nhỏ người Hà Nhì này đã phải đi cả một con đường dài lắm khe, nhiều suối, đầy vất vả và gian nan. “Mỗi em đến được lớp là cả một sự cố gắng nỗ lực lớn, bởi hầu hết học trò ở đây đều là con nhà nghèo” - Thầy giáo Dương Văn Chiến cho biết.
Chính sự vất vả, khó khăn phơi bày ra trước mặt không phải giấu giếm gì đã khiến nhiều thầy cô, kể cả thân nam nhi cứng cỏi như thầy Chiến, lần đầu đặt chân lên điểm trường Huổi Luông 2 đã từng nghĩ đến việc quay về xuôi. “Buổi đầu tiên lên đến điểm trường này, tôi đã khóc. Nhìn trường, lớp học tuềnh toàng, heo hút quá, chỉ muốn quay về quê. Nhưng rồi thấy đồng nghiệp say sưa giảng bài, còn các em học sinh ăn mặc thiếu thốn vẫn đội nắng, đội mưa đến lớp, lòng mình như ấm lại. Thương các em, tôi không nỡ bỏ ra về mà có thêm ý chí quyết tâm gắn bó với nơi này” - Thầy Chiến tâm sự.
Miệt mài “cõng” chữ
Đặt chân lên miền Tây Bắc, có chứng kiến tận mắt cuộc sống của giáo viên và học sinh vùng cao mới thấm thía được nỗi cực nhọc, ý chí và tinh thần lạc quan mãnh liệt của họ. Khó khăn, vất vả triền miên năm này qua tháng khác đã không làm sờn lòng người “cõng” chữ lên non.
![]() |
Lớp học trên đỉnh núi. |
“Các thầy, cô giáo ở đây đều phải xa gia đình. Do bản ở heo hút quá, không có cơ hội giao lưu, kết bạn mà nhiều thầy cô giáo chưa thể lập gia đình, dù tuổi đã đến mức “báo động”. Có những cô làm mẹ nhưng vẫn phải nhờ ông bà ở quê chăm sóc nuôi dưỡng con hộ” - Cô Nguyễn Thị Hồng Quân rơm rớm nước mắt khi nhắc tới gia đình.
Đường đi lên điểm trường Huổi Luông 2 chỉ là lối mòn, dốc đá cheo leo, vực sâu thăm thẳm, đi lại vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Các thầy cô cứ cuối tuần lại phải vượt đường sá xa xôi về thị trấn mua thức ăn dự trữ và những thứ thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt, giảng dạy. Dẫu đồng lương rất ít ỏi, các thầy cô vẫn tự nguyện trích một phần tiền để mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh.
Điều trăn trở của các thầy cô giáo là làm sao vận động đồng bào cho con em đi học, đến lớp đầy đủ. Tập tục làm ăn sinh sống của người dân nơi đây vốn chỉ biết làm nương rẫy. Con cái lớn một chút là đi chăn trâu, đi nương cùng cha mẹ nên con chữ cũng rụng rời dần. Để mang được con chữ đến cho học sinh, các thầy cô ở đây phải đều phải thạo công tác vận động quần chúng. Họ đến từng nhà dân vận động cha mẹ cho các em đến trường.
Thầy Tiến nhớ lại: “Chúng tôi phải cuốc bộ đến từng nhà vận động bà con, bất kể trời mưa hay nắng. Đường lên bản đất đá lổm ngổm, loét nhoét chỉ có thể đi bộ. Đường khó đi, trơn trượt dễ ngã, phải bám vào cây rừng mà đi, nhanh cũng hết nửa ngày. Những lúc mưa rừng bất chợt ập đến, học sinh đến tới lớp, quần áo, sách vở đều ướt mèm. Thương các em, các cô giáo tự tay giặt quần áo rồi lấy quần áo khô (do các cô dự trữ) để thay cho các em”. Không chỉ vậy, vào ngày mùa, các thầy, cô lại trở thành những tình nguyện viên đến giúp dân gặt lúa, bẻ ngô. Những việc làm đó giúp gắn kết giữa đồng bào với những người “gieo chữ”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Quân chia sẻ: “Các thầy cô ở đây đều là những người tâm huyết và rất trẻ. Mặc dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn nghĩ và dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh của mình. Ai cũng mong cho các em học thật tốt, mang con chữ đến với các em học sinh để sau này lớn lên có kiến thức vượt lên cái nghèo, có một cuộc sống mới, hạnh phúc hơn”. |