Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 30/05/2023 02:55 GMT+7

Đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành nhiệm vụ thường xuyên ở vùng biên giới, hải đảo

Biên phòng - Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (sau đây gọi tắt là Đề án), những năm qua, với vai trò là Cơ quan Thường trực Đề án, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố biên giới, hải đảo chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng các hình thức, biện pháp, mô hình sáng tạo, phù hợp với tình hình của từng địa phương, đơn vị.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, BĐBP Bình Định tuyên truyền pháp luật cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển. Ảnh: Thanh Bình

Hiệu quả của Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, hải đảo, đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Khu vực biên giới, hải đảo nước ta có 1.083 xã, phường, thị trấn thuộc 233 quận, huyện, thị xã/44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với dân số khoảng 9,7 triệu người. Đời sống nhân dân khu vực biên giới, hải đảo so với cả nước còn gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật chưa cao; phong tục, tập quán có nơi còn lạc hậu. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có biên giới, vùng biển triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016”. Kết thúc năm 2016, căn cứ hiệu quả của Đề án và đề xuất của Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tiếp tục thực hiện giai đoạn 2017-2021.

Quán triệt Đề án của Chính phủ, sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố biên giới, hải đảo đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất... Đồng thời, xác định việc triển khai thực hiện Đề án là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành; quan tâm bố trí kinh phí, huy động tối đa các nguồn lực thực hiện Đề án; bảo đảm mua sắm trang thiết bị, tài liệu, tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Trong quá trình thực hiện Đề án, với vai trò là Cơ quan Thường trực Đề án, Bộ Tư lệnh BĐBP và Ban Chỉ đạo Đề án các cấp thường xuyên trao đổi, thống nhất nội dung, biện pháp triển khai; phối hợp chặt chẽ trong tổ chức khảo sát, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện. Qua đó, giúp các địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bằng các giải pháp cụ thể. Đồng thời, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, trong đó, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL.

Cụ thể, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội đã duy trì thực hiện nghiêm túc hoạt động “Ngày Pháp luật” để tiến hành công tác tuyên truyền, PBGDPL. Tại các đơn vị đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như: Tuyên truyền miệng, trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu; triển khai các mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”, “Mỗi tuần học một điều luật”, “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”. Kết quả thực tiễn cho thấy, các mô hình này đã phát huy có hiệu quả, giúp bộ đội hiểu rõ và nhớ kiến thức lâu hơn; góp phần khắc phục thói quen ngại khó, ngại nghiên cứu, học tập chính trị, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị.

Đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương gắn công tác tuyên truyền, PBGDPL với việc nâng cao hiệu quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn an ninh, trật tự và đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu, trao đổi kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới, hải đảo.

5 năm qua, các đơn vị BĐBP đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng, củng cố và duy trì hoạt động trên 2.000 Câu lạc bộ pháp luật và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; 1.083 Trung tâm tư vấn pháp luật; trên 1.100 Tổ tuyên truyền pháp luật, 9.828 Tổ hòa giải. Đây là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL tại các địa phương.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, các Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, Trung tâm tư vấn, Tổ tuyên truyền pháp luật đã đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19; tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương và BĐBP đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép và các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch, góp phần hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan qua biên giới vào nội địa.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL tại các trường học ở khu vực biên giới, hải đảo được các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả thông qua các mô hình, cách làm sáng tạo như tổ chức triển lãm, trưng bày sách, ảnh và qua các mô hình thực tiễn như: “Biên giới với học đường”, “Tiết học vùng biên”. Thực hiện giảng dạy, phổ biến trực tiếp là những thầy giáo mang quân hàm xanh, kết hợp với sinh hoạt ngoại khóa, hướng dẫn tham quan cửa khẩu, đường biên, cột mốc đã thu hút đông đảo thầy cô giáo và học sinh các trường học trên địa bàn biên giới, hải đảo tham gia. Từ những tiết học thực tiễn đó, nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của thế hệ trẻ được nâng lên rõ rệt.

Ngoài các mô hình trên, Ban Chỉ đạo Đề án các địa phương, đơn vị cũng thường xuyên cập nhật những biện pháp, cách làm mới, khoa học, hiệu quả với nhiều nội dung phong phú, đa dạng gắn với các phong trào, tiêu biểu như: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường”; “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới; Chương trình “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”; “Cảnh sát Biển đồng hành với ngư dân”. Đồng thời, lồng ghép việc tuyên truyền, PBGDPL trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình: “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”; “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”; “Tổ phụ lão, tổ phụ nữ quản lý thôn, bản biên giới”; “Thôn, xóm, bản, làng bình yên không có tội phạm, tệ nạn ma túy”; “Già làng, trưởng bản gương mẫu”; “Tiếng kẻng vùng biên”; “Nông dân tự quản gắn với giữ gìn bình yên tuyến biển”...

Thông qua các mô hình, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, hải đảo không những trực tiếp cùng BĐBP tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, mà còn là những tuyên truyền viên tích cực đưa thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, các đơn vị BĐBP đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình kết nghĩa “Cụm dân cư hai bên biên giới”; phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu các nước láng giềng tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, BĐBP Lai Châu phối hợp cùng cán bộ Đoàn Thanh niên thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu và giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ma Ly Pho (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) tổ chức tuyên truyền về biên giới quốc gia cho các em học sinh thông qua chương trình trải nghiệm “Biên giới trong em” (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Phạm Tuân

Sau 5 năm triển khai thực hiện, với tinh thần chủ động và trách nhiệm, các địa phương, đơn vị đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, huy động tối đa nguồn lực, nhân lực, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu của Đề án. Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đã thực sự trở thành cầu nối, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, cảnh giác trước thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, không để kẻ xấu móc nối, kích động gây mất an ninh, trật tự.

Thời gian tới, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, tình hình các tuyến biên giới, hải đảo được dự báo còn có những diễn biến phức tạp, từ đó, đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới thách thức hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và công tác tuyên truyền, PBGDPL nói riêng. Để tiếp tục nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân và đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, PBGDPL cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác tuyên truyền, PBGDPL. Tập trung quán triệt, triển khai có chiều sâu và phát huy hiệu quả các Đề án mà Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt, nhất là Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” và Đề án “Tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết 2021-2025”. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, sự cần thiết của công tác tuyên truyền, PBGDPL, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và được cụ thể hóa trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng nguyên tắc, có chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực.

Hai là, chủ động phối hợp tham mưu xây dựng, củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, các tổ, đội tuyên truyền pháp luật; duy trì nề nếp và phát huy tốt hiệu quả hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, PBGDPL; làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm không ngừng nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới, hải đảo.

Bốn là, bám sát tình hình và điều kiện thực tế, phong tục, tập quán ở từng địa phương, đơn vị. Chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ nội dung, phương thức tuyên truyền, PBGDPL cho phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tích cực nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nhất là hình thức tuyên truyền trực quan; gắn công tác tuyên truyền, PBGDPL với thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng cùng các chính sách của Nhà nước đối với công tác dân tộc, tôn giáo và vùng biên giới, hải đảo. Ngoài ra, lồng ghép trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cơ quan chuyên môn. Làm tốt công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng

Bình luận

ZALO