Biên phòng - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật BPVN, theo đó, giữ nguyên tên gọi của dự thảo Luật; điều chỉnh khái niệm “Biên phòng” và bổ sung, chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng...
Tại Phiên họp thứ 47, UBTVQH đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, trong đó nhấn mạnh về tên gọi dự thảo Luật và cho rằng, tên gọi “Luật BPVN” đã được xác định tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11-6-2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Việc xây dựng Luật BPVN không chỉ luật hóa Pháp lệnh BĐBP, mà còn nhằm hoàn thiện pháp luật về xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác, nhất là Luật BGQG, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Trong đó, khái niệm “Biên phòng” được chỉnh lý như sau: “Biên phòng là tổng thể các hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.
Quy định nhiệm vụ biên phòng, UBTVQH nhất trí với tên Điều nhằm xác định rõ nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Để thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, tránh chồng chéo, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ban soạn thảo đã bổ sung, chỉnh lý theo hướng: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ BGQG; quản lý, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, BGQG; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu và khu vực biên giới (KVBG); bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường; bảo đảm việc thi hành pháp luật ở biên giới, cửa khẩu và KVBG; xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ ở KVBG gắn với phòng thủ quân khu và phòng thủ tỉnh, huyện, phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở KVBG; hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang.
Ngoài nhiệm vụ biên phòng, UBTVQH nhấn mạnh, dự thảo Luật cần thiết có một điều quy định lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, xác định rõ nhiệm vụ và có cơ sở quy định chế độ, chính sách phù hợp đối với từng lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Sau khi nghiên cứu, chỉnh lý lại, Điều này được quy định như sau: Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở KVBG, cửa khẩu; Cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở KVBG, cửa khẩu.
Bên cạnh đó, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân là quy định quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG. Để đảm bảo rõ ràng, đầy đủ nội dung, Điều luật được chỉnh lý, bổ sung phù hợp với những nội dung cơ bản: Xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ BGQG, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự và kế hoạch phòng thủ ở KVBG; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở KVBG; xây dựng cơ sở vật chất, tiềm lực chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đáp ứng nhiệm vụ biên phòng; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp, vững mạnh; xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG.
Đồng thời, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, bố trí các cụm dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở KVBG; tổ chức nhân dân tham gia thực thi nhiệm vụ biên phòng; xây dựng công trình phòng thủ liên hoàn, vững chắc; tổ chức, bố trí lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng; phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời xử lý các tình huống ở biên giới, KVBG.
Về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, Ban soạn thảo đã có chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi có biên giới, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng; chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi có biên giới, trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc theo phân cấp của Chính phủ, chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng; chính quyền địa phương cấp huyện, xã nơi có biên giới, trong phạm vi quyền hạn chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Quy định vị trí, chức năng của BĐBP, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, đề nghị chỉnh lý lại khoản này như sau: BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG. BĐBP có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Ngoài những quy định về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, chức năng nhiệm vụ của lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, quy định bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng (Chương V) cũng được nhiều ĐBQH quan tâm. Để đảm bảo đầy đủ hơn chính sách của Nhà nước về biên phòng, Ban soạn thảo đã chỉnh lý, bổ sung như sau: Công dân Việt Nam là nguồn nhân lực xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG. Nhà nước có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; ưu tiên cư dân ở KVBG. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và kiến thức cần thiết khác phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Khuyến khích phát triển tài năng; ưu tiên nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số ở KVBG để phục vụ lâu dài trong BĐBP...
Đối với chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP được hưởng chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất công tác và địa bàn hoạt động do Chính phủ quy định.
Đại tá Nguyễn Văn Ty, Trưởng phòng Pháp chế, Bộ Tham mưu BĐBP