Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 12:07 GMT+7

Dù ở đâu, làng Lâm và làng Sơn cũng là anh em

Biên phòng - Năm 2014, làng Lâm (xã Pó Nhầy, huyện Ozadao, tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và làng Sơn (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) ký kết nghĩa bản - bản. Từ ngày ấy, những khúc mắc bấy lâu được mọi người cùng chung tay tháo gỡ, cùng xây dựng miền biên giới ấm no, hữu nghị và tràn đầy tình thân.

uhrz_9a
Đại úy Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Ia Nan trò chuyện cùng già làng Siu Bình. Ảnh: Trúc Hà

Ông Siu Bình được mọi người trong làng Sơn bầu làm già làng không phải vì nhiều tuổi nhất mà bởi uy tín trong cộng đồng. Từ năm 1977 đến 1979, ông Siu Bình là quân tình nguyện của Việt Nam giúp Campuchia đánh quân Pôn Pốt, ở huyện Po Kẹo, tỉnh Ratanakiri. Bản lĩnh người lính giúp ông vượt khó, vượt khổ và không chấp nhận đói nghèo. Bởi vậy, đã 70 tuổi nhưng ông vẫn thức khuya, dậy sớm, không quản nắng mưa để chăm sóc 1ha điều, 2ha cao su, 1ha cà phê và hơn 1 nghìn mét vuông ao cá. Số tiền thu hoạch mỗi năm không khi nào tiêu hết, nhưng ông vẫn không bớt rẫy, bớt ao.

Ông bảo: “Mình làm cho con cháu tự hào, để người khác học tập, noi theo”. Nói về mối quan hệ với làng Lâm, già làng Siu Bình kể: Trước năm 1975, bom đạn của giặc Mỹ đã “đẩy” mọi người làng Sơn sang Campuchia sống cùng người làng Lâm. Sau năm 1975, tai họa lại ập đến lần nữa khi quân Pôn Pốt kéo đến đốt làng, gom người vào các trại tập trung. Đói, khổ và có thể chết bất cứ lúc nào, nên nhiều gia đình chạy trốn về xã Ia P’nôn, huyện Đức Cơ.

Sau này, Nhà nước có chính sách di dân ra biên giới nên dân làng Sơn về định cư tại địa điểm hiện tại. Có điều, dù ở Campuchia hay ở Việt Nam, chiến tranh hay khoảng cách địa lý không khi nào chia cắt được người làng Lâm và làng Sơn. Có thể liên lạc bị gián đoạn, nhưng bất cứ khi nào có cơ hội, họ lại tìm về với nhau, bởi đó là cội nguồn, là anh em họ hàng, là máu mủ ruột rà.

Chuyện ân tình giữa hai bên rất nhiều, không “to tát”, “cao sang” nhưng xuất phát từ cuộc sống hằng ngày nên rất đỗi thân thương. Đường sá từ làng Lâm sang xã Pó Nhầy, trung tâm huyện Ozadao chưa được đầu tư nâng cấp nên người dân bên ấy vẫn sang Ia Nan hoặc trung tâm huyện Đức Cơ mua bán. Mỗi lần qua, họ lại ghé vào làng Sơn.

Đất đai ở làng Lâm màu mỡ, người dân, các công ty trồng nhiều điều, cà phê, cao su, có nhiều giống mới, bởi vậy, người làng Sơn thường sang lấy giống. Chính già làng Siu Bình sang làng Lâm lấy giống điều mới. Giống điều mới chỉ 3 năm đã cho quả, đặc biệt ít bị rệp nên cây xanh tốt, mỡ màng. Rẫy điều của già Siu Bình trồng được hơn 1 năm, không phải chăm bón nhiều, chỉ chờ đến ngày thu hoạch. Tháng 11 là dịp thu hoạch lúa nước, mọi người ở làng Sơn lại cùng nhau sang giúp người làng Lâm gặt lúa. Thường thì nhà nào nhà nấy tự chọn giúp các nhà mà mình có ân tình, nhưng mọi người vẫn rủ nhau cùng đi.

Có những ngày có đoàn cả chục chiếc xe máy qua Trạm KSBP K3 (Đồn BP Ia Nan), ai nấy cười nói vui vẻ. Đến ngày làng Sơn thu hoạch nông sản, người làng Lâm lại đến giúp. Ngày mùa, nhiều việc nên đôi khi cố làm cho xong, trở lại đã quá giờ qua lại biên giới, nhưng BĐBP Việt Nam hay Cảnh sát bảo vệ biên giới Campuchia chỉ nhắc nhở lần sau cố gắng về đúng giờ.

Cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng việc ma chay, cưới hỏi ở người J’Rai vẫn thế. Làng Lâm, làng Sơn vẫn duy trì lễ cúng lúa mới, cúng giàng, đâm trâu. Giờ đây, mỗi lần làm lễ lại có thêm những người anh em ở bên kia biên giới. Dù ở làng Lâm hay làng Sơn có đám thì nhất định phải có đại diện của thôn, làng, là trưởng, phó hoặc già làng của làng cùng dự. Mọi người sẽ chung tiền để mua heo, gà mang đến. “Cứ đi lại thường xuyên thế, nên tuy là ở hai quốc gia, không ở cùng làng nhưng vẫn gặp nhau luôn” - Già làng Siu Bình cười sảng khoái.

szjx_9b
Lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm Đồn BP Ia Nan lấy lời khai đối tượng Sok Kosol (áo kẻ). Ảnh: Trúc Hà

Không chỉ có người dân làng Sơn mà những người lính Đồn BP Ia Nan cũng luôn quan tâm đến làng Lâm. Đồn BP Ia Nan triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường”, thì làng Lâm cũng “có phần”. Và cậu bé Rơ Mah Phước ở làng Lâm đã nhận được sự giúp đỡ của những người lính BP Việt Nam. Rơ Mah Phước có bố là Siu Chôk, mẹ là Rơ Mah Toại. Rẫy ít lại đông con, nên dù cố gắng lắm thì vợ chồng anh chị chỉ không đói chứ vẫn nằm trong hộ nghèo. Vì thường xuyên qua lại Việt Nam mua sắm nhu yếu phẩm, Rơ Mah Phước lại được mẹ cho đi cùng qua Trạm KSBP K3, để nhận tiền hỗ trợ hằng tháng và cũng là để báo cáo thành tích học tập với các chú BĐBP Việt Nam.

Đồn trưởng Đồn BP Ia Nan, Thượng tá Phan Đình Thành chia sẻ: “Ia Nan là địa bàn có tình hình liên quan đến ma túy khá phức tạp. Đơn vị đã chủ động xây dựng các kế hoạch, chuyên án để tấn công loại tội phạm này. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phá 2 chuyên án ma túy, bắt đối tượng và thu tang vật. Phá thành công 2 chuyên án đó là nhờ có sự hợp tác, cung cấp thông tin của nhân dân hai làng kết nghĩa”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO