Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 08:31 GMT+7

Du lịch vì một xã hội có thu nhập

Biên phòng - “Du lịch và việc làm - Tương lai tươi sáng cho tất cả” – thông điệp vừa được Tổ chức Du lịch thế giới công bố để chào đón ngày Du lịch thế giới 27-9. Theo đó, Việt Nam là một trong các quốc gia đã và đang hướng nền kinh tế mũi nhọn vào phát triển du lịch, vì một xã hội sản sinh ra việc làm và thu nhập, cũng để không ai bị bỏ lại phía sau.

i1yk_8a
Phụ nữ Thái ở Mai Châu, Hòa Bình có thêm nguồn thu nhập từ dệt thổ cẩm bán cho khách du lịch. Ảnh: Thụy Văn 

“Trên khắp thế giới, du lịch đem lại nguồn việc làm hàng đầu, cung cấp việc làm và thúc đẩy kinh tế phát triển cả ở cấp địa phương và quốc gia” - Thông điệp rõ ràng hướng vào tầng lớp lao động của Tổ chức Du lịch thế giới thực sự mang lại niềm khích lệ cho các nền kinh tế. Mục tiêu của phát triển du lịch lên hàng mũi nhọn, tiên phong nhằm mục đích phá vỡ các rào cản ở vùng nông thôn miền núi, vùng khó khăn, thúc đẩy bình đẳng và hòa nhập. Việc làm sinh lợi nhuận mà du lịch mang đến cho phụ nữ, thanh niên, thậm chí là cho những người già đã hết tuổi lao động có cơ hội hỗ trợ bản thân và gia đình, thích ứng có chiều sâu và toàn diện vào xã hội. 

Hơn thế nữa, du lịch tạo ra sinh kế tiềm tàng cho lực lượng lao động nhàn rỗi và đang lúng túng tìm cơ hội việc làm ở nông thôn. Phần lớn giới trẻ có học thức, có khí chất mạnh mẽ rất hào hứng với phong trào khởi nghiệp từ du lịch. Phong trào này tạo ra việc làm, tạo nên các vùng sản xuất hàng hóa và mang lại thu nhập, nâng cao mức sống và quan trọng nhất là tạo nên một xã hội có giao tiếp, hội nhập và tự thân những vùng hẻo lánh, khó khăn kéo gần lại những văn minh, tinh hoa của nhân loại. 

Theo báo cáo thường niên của Tổng cục Du lịch năm 2018, ngoài việc tăng đột biến các nhà nghỉ, khách sạn và cơ sở lưu trú cao cấp, thì đây chính là thời điểm ghi nhận mức đột phá của loại hình lưu trú homestay. Các nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê tăng lên 1.892 cơ sở đủ điều kiện với hơn 13.000 phòng ở (không kể những nhà dân tự phát chưa kiểm tra). Các homestay chủ yếu ở các vùng miền núi, hải đảo, những nơi khó khăn cách trở về giao thông, không đủ điều kiện xây dựng các khu du lịch cao cấp và tập trung. Cùng với việc cung cấp chỗ nghỉ, nhiều dịch vụ ăn uống, đưa đón, hướng dẫn, vận tải, vận chuyển đồ đạc, giữ chỗ, gia công đồ thủ công mỹ nghệ..., nhiều nghề truyền thống quay trở lại phục vụ khách du lịch. Hầu hết các quốc gia châu Á hiện nay đều phát triển theo mô hình này. 

Tuy nhiên, khả năng du lịch tạo ra việc làm và nhân lên nguồn lực quốc gia gần đây mới được nhận thức đúng. Giải thưởng Du lịch ASEAN được trao tại Diễn đàn Du lịch ASEAN năm 2019 tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh đã tôn vinh các dịch vụ spa (trị liệu sức khỏe), các nhà vệ sinh công cộng tốt nhất và các khu du lịch cộng đồng, các homestay tại Việt Nam và các quốc gia khác. Một số khu du lịch đáng tự hào trong hạng mục được nhắc tới là Khu bảo tồn làng nhà sàn người Tày Thái Hải, Thái Nguyên; Hợp tác xã du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, Nam Giang, Quảng Nam; Cụm homestay bản sắc văn hóa Mông, Bắc Hà, Lào Cai; Homestay Hua Tạt, Sơn La... Xu hướng làm du lịch lan tỏa trong cộng đồng tăng cơ hội việc làm, tăng suất đầu tư, vận hành tiền nhàn rỗi trong dân và sinh lợi tức. Đã đến lúc hướng cái nhìn tích cực vào mô hình xóa đói giảm nghèo mang lại nhiều lợi thế phát triển này. 

Mặt khác, hướng du lịch vào cộng đồng sẽ đảm bảo sự tăng trưởng liên tục, mang lại vô số cơ hội và cho phép du lịch thực hiện trách nhiệm xã hội toàn cầu, không để khu vực nào tụt hậu với thế giới. Mô hình du lịch cộng đồng giúp xóa bỏ những vùng rốn nghèo, tìm ra tiềm năng và khai mở những hành trình, tuyến du lịch mới lạ, từ đó kết nối và liên kết vùng, giữ lại bản sắc văn hóa vì vốn văn hóa là động lực của sự phát triển. Trên thực tế, có rất nhiều vùng đất bị bỏ quên nhiều năm được chính những người thích du lịch khám phá tìm ra và bình luận, đánh giá, lan tỏa ra cộng đồng và nhân lên sự tò mò thú vị, sản sinh ra những hình thái du lịch dịch vụ đáp ứng và thay đổi cơ bản diện mạo của vùng đất. 

Người lao động từ những việc làm đã có cũng đã chú trọng hơn đến kỹ năng và khả năng cập nhật kiến thức, hiểu biết qua công nghệ và kỹ thuật. Hai cơ sở lưu trú nằm cạnh nhau, nhưng lợi thế so sánh thuộc về những tư nhân biết áp dụng công nghệ, tranh thủ mạng xã hội trên internet để quảng bá, kích thích tiêu dùng và học mánh lới bán hàng. Từ những người lao động thô sơ tự phát, họ dần trở thành người quản trị cho công việc mình làm rất nhanh chóng, tự phát triển bản thân đáp ứng với mặt bằng chung của xã hội. Ngoài tạo ra việc làm cho mình, còn tạo ra việc làm cho con cháu, họ hàng, hàng xóm láng giềng.

Điển hình như một cụ bà người Dao ở Y Tý, Lào Cai từ chỗ có bí quyết về làm men lá rượu thóc, bà đã vực dậy cả một làng nấu rượu thóc Sim Shan mà khách du lịch rất thích thú đến tham quan việc nấu rượu bằng phương pháp tự nhiên và mua sản phẩm mang về. Trong khi thôn Sim Shan hẻo lánh giáp biên giới Việt – Trung trước đây là nơi dường như không có người lạ đặt chân đến. 

“Chúng ta hãy cùng nhìn nhận và vinh danh sức mạnh biến đổi của du lịch. Cùng nhau, chúng ta có thể tận dụng tiềm năng du lịch để xây dựng một tương lai tươi sáng và bình đẳng hơn” - Tổ chức Du lịch thế giới kêu gọi. 

Thụy Văn 

Bình luận

ZALO