Biên phòng - An Giang là địa phương có đông dân tộc anh em sinh sống, nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú, có tiềm năng du lịch rất lớn. Nhiều năm qua, An Giang đã quan tâm đầu tư, bảo tồn các làng nghề, lễ hội truyền thống, tạo lợi thế du lịch và giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống. Nhưng hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề, các sản phẩm du lịch văn hóa cũng chật vật tìm lối ra.

Thị xã biên giới Tân Châu là nơi sinh sống của cộng đồng người Chăm, từ lâu nổi tiếng với làng nghề dệt thổ cẩm ở Châu Phong. Dệt thổ cẩm là nghề mà gần như bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Từ bàn tay khéo léo của mình, phụ nữ Chăm đã tạo ra những chiếc sà rông đầy màu sắc, thổ cẩm tinh xảo, túi xách, khăn quàng cổ, khăn bịt tóc... Nét văn hóa độc đáo này sớm được địa phương khai thác tiềm năng du lịch, đưa vào các tour, tuyến nhằm bảo tồn truyền thống văn hóa của người Chăm Nam bộ, đồng thời, tạo việc làm, ổn định kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang cho biết, qua việc thay đổi các phương thức tiếp cận với du khách, An Giang đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và tận dụng sự phát triển của Internet để đẩy mạnh tốc độ phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời, thay đổi phương thức xây dựng, quảng bá và bán sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, Trung tâm đang cố gắng phục dựng các nét văn hóa đặc trưng của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đưa vào ứng dụng để du khách có được trải nghiệm tốt nhất.
Từng hưng thịnh là thế, nhưng hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượt khách du lịch đến An Giang gần như bằng con số 0. Cùng với đó, số người Chăm còn theo nghề dệt thổ cẩm ở Châu Phong giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là người già có thâm niên tuổi nghề trên chục năm.
Chúng tôi tìm đến cơ sở dệt thổ cẩm của ông Mohamad, tại ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, ông là người có trên 50 năm theo nghề dệt thổ cẩm. Lúc trước, trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông đón trên dưới 1.000 khách, đông nhất là vào thời điểm Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ và gần Tết Nguyên đán. Du khách đến đây ngoài việc tham quan còn được trải nghiệm dệt thổ cẩm, tham gia nghi lễ truyền thống của đồng bào Chăm, hoặc mặc trang phục cưới chụp ảnh... Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ sở của ông đã hạn chế sản xuất, chỉ bán cho đồng bào địa phương chứ không xuất đi các tỉnh, thành khác như trước và tạm thời vẫn chưa đón khách trở lại.
Đau đáu nỗi lòng với nghề truyền thống dân tộc, không nỡ nhìn những khung dệt đắp chiếu, ông Mohamad vẫn duy trì sản xuất một số mặt hàng thổ cẩm để đáp ứng nhu cầu cho đồng bào người Chăm ở địa phương. Song song với đó, ông cùng với vợ tìm tòi, học hỏi đổi mới mẫu mã các sản phẩm, dạy cho con cháu trong nhà để giữ nghề truyền thống. Ông Mohamad chia sẻ: “Giữ nghề dệt không chỉ là giữ ổn định kinh tế gia đình, mà còn là giữ gìn truyền thống văn hóa, niềm tự hào dân tộc Chăm chúng tôi. Hiện tại, tôi đang chuẩn bị mọi thứ để đón khách trở lại với nhiều dịch vụ hơn trước, để du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tìm về với văn hóa Chăm”.
Thời gian qua, không chỉ riêng các điểm du lịch, các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống cũng chịu cảnh “nằm bất động”. Được xem là lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang, Lễ hội Đua bò Bảy Núi từ lâu đã vang danh khắp cả nước, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi, hằng năm được tổ chức với dịp lễ Sene Dolta. Đây không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer, ngày hội còn là một sân chơi thể thao, giải trí mang tính đại chúng đầy ý nghĩa cho người nông dân Khmer các phum, sóc sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng.
Qua nhiều lần tổ chức thành công thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến thưởng lãm, năm 2016, Lễ hội Đua bò Bảy Núi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đến năm 2020, tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển Lễ hội Đua bò Bảy Núi với mục tiêu thành hội đua bò quốc tế. Tuy nhiên, năm 2021, địa phương đã không thể tổ chức Lễ hội Đua bò Bảy Núi do ảnh hưởng dịch bệnh, gây nhiều nuối tiếc cho du khách gần xa.

Để nét văn hóa độc đáo này không bị lãng quên, tỉnh An Giang đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp quảng bá thông qua nền tảng mạng xã hội và ứng dụng chuyển đổi số. Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang đã đưa Lễ hội Đua bò Bảy Núi vào triển lãm thực tế ảo nhằm quảng bá du lịch của tỉnh trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, chỉ cần ngồi ở nhà và sử dụng một chiếc điện thoại có kết nối Internet thông qua ứng dụng, du khách sẽ được “mục sở thị” các trận đua bò kịch tính trong không gian 3D chân thật. Bên cạnh đó, ứng dụng còn tích hợp các hình ảnh, logo, video và các standee giới thiệu về các chương trình tour, thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp du lịch, các khu, điểm du lịch An Giang.
Hồng Diễm