Biên phòng - Ngày 13-2, con tàu mang tên AIDAvita – một du thuyền du lịch biển sang trọng quốc tịch Italia đã tới vùng biển vịnh Hạ Long và dự kiến cập cảng Cái Lân, Quảng Ninh. Tuy nhiên, tuân thủ chỉ đạo bằng văn bản số 727/UBND-DL1 của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 11-2, con tàu này không được cập cảng và toàn bộ thủy thủ đoàn và hành khách trên tàu không được đi bờ. Đây là động thái cương quyết của địa phương nhằm đảm bảo an toàn trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng.

Trong lịch trình đã công bố từ nhiều tháng trước, tàu AIDAvita khởi hành từ cảng Singapore ngày 2-2, đã từng đi qua các cảng biển lớn trong khu vực Đông Nam Á thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ: Brunei, Malaysia, Philippines và Hồng Kông (Trung Quốc). Trước khi tới vùng biển Hạ Long, tàu đã cập cảng Hồng Kông, dự kiến sẽ cập cảng Cái Lân và vào các cảng Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Mỹ thuộc lãnh thổ Việt Nam, tham quan các địa danh du lịch nổi tiếng của nước ta, sau đó trở về Singapore để kết thúc hành trình du lịch biển.
Ngay khi nhận được báo cáo của đơn vị khai thác du lịch là Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Hạ Long Cruises và Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long, Sở Du lịch Quảng Ninh đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất phương án không để hành khách và thuyền viên tàu AIDAvita lên bờ. Đồng thời thông tin đến tàu AIDAvita yêu cầu dừng kế hoạch cập cảng và triển khai các biện pháp phòng dịch, khử trùng theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi tàu đến vùng biển Hạ Long. Cùng với đó, các cơ quan chức năng có biện pháp đảm bảo an toàn, trang bị bảo hộ phòng dịch cho cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ có tiếp xúc với con tàu này.
Thượng tá Đặng Quốc Doanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai, BĐBP Quảng Ninh, đơn vị có nhiệm vụ kiểm soát xuất, nhập cảnh khách du lịch tàu biển quốc tế ra vào vùng cảng biển Hạ Long khẳng định: “Tuân thủ chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, chúng tôi thực hiện nghiêm túc các chế độ kiểm tra, kiểm soát, tôn trọng quy trình kiểm dịch và có trách nhiệm giải thích, tuyên truyền nếu có kiến nghị, thắc mắc từ phía đơn vị khai thác du lịch và khách du lịch quốc tế trong khuôn khổ chức trách chuyên môn của BĐBP. Mặc dù nhiệm vụ giám sát, kiểm tra kiểm soát có phần khó khăn, phức tạp hơn, nhưng chúng tôi đề cao trách nhiệm trong phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh đó, giữ gìn an toàn cho cán bộ, nhân viên chuyên môn”.
Đây không phải du thuyền quốc tế đầu tiên đến Hạ Long tính từ thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19, sau Tết Nguyên đán. Ngày 28-1, tức mùng 4 Tết Nguyên đán, tàu Diamond Princess, quốc tịch Anh, chở 2.692 hành khách và 1.050 thuyền viên đã cập cảng khách quốc tế Hạ Long sau khi cập cảng Chân Mây, tham quan 2 trung tâm du lịch lớn của miền Trung là Hội An (Quảng Nam) và thành phố Huế (Thừa Thiên Huế). Con tàu này gây một cú sốc lớn khi không lâu sau đó, ngày 4-2, một số hành khách trên tàu phát hiện bị nhiễm virus Corona khởi nguồn từ một du khách 80 tuổi đã xuống Hồng Kông vào ngày 25-1, trước khi đến Việt Nam.
Tính đến ngày 13-2, đã có 174 hành khách và thủy đoàn tàu Diamond Princess nhiễm virus Corona được điều trị. Những người còn lại vẫn mắc kẹt trên con tàu cách ly ngoài cảng Yokohama, Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung tâm kiểm dịch quốc tế, Sở Y tế Quảng Ninh cho biết:?Khi tàu cập cảng, trung tâm đã đo thân nhiệt toàn bộ du khách và thủy thủ. Lúc kiểm tra, không phát hiện người nào có biểu hiện bất thường.
Thực tế, đến ngày 13-2, tức là 17 ngày sau khi tàu Diamond Princess rời lãnh thổ Việt Nam, từ Hạ Long đi Đài Loan (Trung Quốc) bằng đường biển, không có công dân nào tại Huế, Hội An, Hạ Long đã từng tiếp xúc với hành khách và thuyền viên trên tàu phát hiện bị nhiễm bệnh. Trải qua những ngày lo lắng và sợ hãi dịch bệnh từ tàu biển du lịch quốc tế mang theo những hành khách nhiều quốc tịch khác nhau có thể lây nhiễm và lan rộng, UBND tỉnh Quảng Ninh không cho hành khách và thuyền viên trên con tàu tương tự là AIDAvita được đi bờ, đây được coi là phương án an toàn. Theo hướng xử lý này, khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu được dập tắt, các con tàu du lịch biển sang trọng đã lập trình tới Hạ Long từ rất lâu nay có thể vẫn phải thực hiện hành trình đã định, nhưng hành khách sẽ không được lên bờ tham quan thành phố biển Hạ Long như hợp đồng với các hãng du lịch.
Việc không cho hành khách tàu biển quốc tế lên bờ và tàu neo ngoài cảng không chỉ Việt Nam áp dụng trong bối cảnh căng thẳng dịch bệnh Covid-19. Một trường hợp tương tự khác là con tàu biển mang tên Westerdam của hãng Holland America Line đã 5 lần bị từ chối cập cảng trong những ngày vừa qua. Nhật Bản, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), đảo Guam của Mỹ và gần nhất là Thái Lan đã từ chối, không cho phép Westerdam cập cảng. Hơn 2.000 hành khách và thủy thủ đoàn đã mắc kẹt trên con tàu lênh đênh nhiều ngày liền, mặc dù điều may mắn là không ai trên con tàu này nhiễm virus Corona và mắc bệnh. Điều đáng nói là tàu Westerdam đã từng cập cảng Hạ Long vào ngày 29-1, tức mùng 5 Tết và hành khách đi bờ theo đúng lịch trình, sau đó con tàu mới phải đối mặt với tình hình dịch bệnh căng thẳng và bị từ chối cập cảng tại một số quốc gia.
Đã có nhiều ý kiến trong cộng đồng du lịch quốc tế cho rằng, các quốc gia đang quá khắt khe và cực đoan đối với du khách tàu biển quốc tế. Đây vốn là nhóm khách du lịch cao cấp, sử dụng dịch vụ sang trọng và thường chi phí rất lớn cho các chuyến dạo chơi trên du thuyền đi khắp thế giới. Khu du lịch Hạ Long cũng đã từng tự hào là điểm đến thân thiện mà tàu du lịch quốc tế thường xuyên ghé thăm. Tuy nhiên, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, kiên quyết dập dịch trong thời gian sớm nhất và có thể hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe nhân dân, dường như các địa phương đã có kim chỉ nam hành động. Trong bối cảnh chung, động thái của UBND tỉnh Quảng Ninh được xem như phương án an toàn, chủ động trong phòng dịch.
Thúy Hằng