Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 02:58 GMT+7

Du lịch ở đảo không nước ngọt

Biên phòng - Hòn đảo không có nước ngọt có thể trở thành địa danh du lịch nổi tiếng, đây là điều bất ngờ thú vị nếu du khách có dịp đặt chân đến cù lao Bờ Bãi, một hòn đảo nhỏ kế bên đảo lớn Lý Sơn, Quảng Ngãi. Nơi này không có nguồn nước ngọt, mỗi năm chỉ vài ngày có mưa, không ai nghĩ hòn đảo khô khát này bỗng nhiên trở thành ngôi sao du lịch biển, đảo thuần khiết và trong lành bậc nhất biển Trung bộ.

Người dân đảo Bé có các lu lớn trữ nước mưa. Ảnh: Hải Ninh

Cù lao Bờ Bãi (tên thường gọi là đảo Bé), theo cách gọi dân dã chỉ hòn đảo nhỏ hơn đảo Lý Sơn. Cù lao Bờ Bãi và cù lao Ré (đảo Lý Sơn) cách nhau một dải đá ngầm dài 3 hải lý, nhưng đảo nhỏ không có nguồn nước ngọt và không có điện lưới. Hòn đảo có diện tích chừng 1 cây số vuông với khoảng hơn trăm hộ dân sinh sống. Điều đáng nói là tuy nguồn nước ngọt phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, nhưng dân cư làm nghề chài lưới vẫn sinh sống lâu đời trên đảo. Và chính sức vóc và sự kiên trì bền bỉ nương theo tự nhiên mà sống của cộng đồng dân cư trên đảo là một điều du khách muốn tận mắt chứng kiến.

Bước xuống từ chiếc ca nô nhỏ chở khách từ đảo Lý Sơn qua đảo Bé, chúng tôi bị vây xung quanh toàn các chị, các mẹ mặt mũi bịt kín để che nắng gió biển quá gắt buổi trưa nhưng miệng liên tục mời chào ríu rít. Họ cho khách du lịch thuê xe máy để đi dạo quanh đảo và tranh thủ giới thiệu những địa điểm nên đến và các homestay có thể cho khách lưu trú qua đêm trên đảo. Trước đây, người dân sinh sống trên đảo Bé hợp thành một quần thể hành chính là xã An Bình, thuộc huyện đảo Lý Sơn. Nhưng bắt đầu từ tháng 2-2020, thực hiện phương án bãi bỏ đơn vị hành chính cấp xã, trên đảo chỉ còn xóm đảo An Bình, trực thuộc đảo Lý Sơn.

Vốn là một miệng núi lửa cũ, niên đại khoảng triệu năm trước, cù lao Bờ Bãi hiện tại là một hòn đảo vây xung quanh bởi các ghềnh đá đen hình thành từ trầm tích núi lửa cũ. Các ghềnh đá này trải dài và xếp lớp hình thù ngoạn mục và nhiều hơn cả các ghềnh đá trên đảo lớn Lý Sơn. Cả hòn đảo gồm các lớp trầm tích đá bọt núi lửa màu đen xếp chồng lên nhau, rất ít đất canh tác và chỉ có các thửa ruộng phủ cát mặn để trồng hành tỏi. Các thửa ruộng này cũng canh tác theo một cách lạ kỳ là trông chờ vào những vụ mùa có mưa, hứng nước trời để trồng đậu, ngô, hành tỏi vào những tháng có mưa trong năm. Còn lại những tháng mùa khô thì ruộng để không. Những thửa ruộng nhỏ được ngăn chia ô cho các hộ gia đình trong làng, bờ ruộng xếp ngăn bằng đá núi lửa. Kỹ thuật xếp đá rất kỹ càng, chắc chắn, có thể chống chọi với gió lớn từ biển thổi vào và những cơn phong ba bất chợt. Cách canh tác phụ thuộc vào nước trời cho thấy, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên của người dân. Bằng cách như vậy, họ nương theo tự nhiên mà sinh sống rất nhiều đời trên đảo.

Tại các khu vực ghềnh đá đen và bờ biển trong xanh luôn nhìn thấu cả đáy biển, người dân cắm lều, dựng mái lá để cho du khách thuê đồ tắm biển, dạo chơi và tắm tráng nước ngọt. Mỗi mét khối nước ngọt được mua và mang từ đảo lớn sang có giá 300 ngàn đồng (giá nước sinh hoạt là 200 ngàn đồng). Và không ở đâu, du khách dành sự cảm thông với những người dân làm dịch vụ du lịch ở đây bằng cách luôn tráng ít nước ngọt nhất có thể. Việc thiếu nước ngọt ăn sâu vào ý thức và người dân từ nhỏ, lớn lên trên hòn đảo này. Họ luôn dùng một ca nước ngọt cho nhiều tác dụng. Nước rửa rau thì tưới cây, tắm cũng đứng kế bên những cây trồng để nước chảy xuống tưới cây luôn. Đặc điểm và thói quen này khiến người dân cù lao Bờ Bãi đi đâu cũng rất dễ nhận ra. Ở đây, nước ngọt chính là sự sống, đắt đỏ và quý giá nhất, thế nhưng giá dịch vụ thì rất rẻ, ăn uống và nghỉ đêm trên đảo ở mức bình dân, ai cũng có thể trải nghiệm.

Phụ nữ ở đảo Bé cho thuê xe máy và làm hướng dẫn viên du lịch. Ảnh: Hải Ninh

Trên đảo có 3 homestay vào mùa du lịch cao điểm luôn kín khách. Việc tự túc điện, nước để làm du lịch khiến các hộ dân luôn gặp khó khăn. Người dân trên đảo đã từng được tài trợ để xây dựng các bể chứa nước mưa, phát triển máy làm nước ngọt từ nước biển, nhưng cùng với thời gian, các cách làm này đều không hiệu quả, máy móc hỏng dần và không gì có thể bền bỉ bằng sức người. Nếu lỡ không có đủ nước thì mượn tạm của nhà hàng xóm. Trò chuyện với những người dân trên đảo, du khách được nghe kể về chuyện “vay nước” – chuyện lạ lùng mà hài hước cười ra nước mắt của cư dân trên đảo. Ở nơi này, khi đảo vào mùa bão gió, có tiền cũng không mua được nước ngọt và có tiền cũng không mua được tình nghĩa chan hòa, chia sẻ của những người quanh năm sống với sóng gió đảo xa. Vì vậy, việc vay nước, dùng trước rồi trả sau chỉ có ở đảo Bé.

Bà Nguyễn Thị Hòa - một cư dân của đảo Bé đã gửi các con mình vào đảo lớn để theo trọ học. Bà và cô em dâu mở quán bán hàng làm dịch vụ du lịch ở ven ghềnh đá đảo Bé. Mỗi đoàn khách đến, tắm tráng nước ngọt và mua vài món sản phẩm du lịch cũng đã góp phần để giữ chân những người như bà Hòa ở lại đảo. Đã có thời, đảo Bé có tới 300 cư dân, nhưng mưa càng ít thì cộng đồng người dân càng thu hẹp lại vì khan hiếm nước sinh hoạt. Nếu du lịch không được quảng bá để phát triển, đảo Bé sẽ càng ít người ở lại.

Có lẽ, sự khác biệt đó đã khiến hòn đảo nhỏ mãi mãi là nơi an bình như tên gọi của nó giữa biển khơi và là nơi bất cứ ai cũng nên đặt chân đến một lần.

Bà Hòa tâm sự: “Khách du lịch ở khắp nơi đến đây đều cảm thông, dùng nước dè sẻn lắm vì thương dân đảo Bé phải mua từng can nước. Mấy cô gái người thành phố học được cách sử dụng một chậu nước để làm rất nhiều việc, ra về từ hòn đảo này biết trân trọng thiên nhiên hơn, bảo vệ nguồn nước ngọt và thích nghi với hoàn cảnh”.

Hải Ninh

Bình luận

ZALO