Biên phòng - Du lịch ngày càng có xu thế gắn với thiên nhiên. Đây chính là một lợi thế để Việt Nam khai thác cảnh quan thiên nhiên nông thôn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thu nhập cao hơn khi nông nghiệp và du lịch kết đôi
Việt Nam có diện tích vùng nông thôn lớn, với các điều kiện tự nhiên đa dạng, có vùng núi cao, trung du, cao nguyên, đồng bằng, duyên hải ven biển, với nhiều vùng trồng nông nghiệp chuyên canh, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch NN-NT.
Theo ông Phan Đình Huê, Chủ tịch Công ty dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt, những tài nguyên quý giá nhất để làm nên sản phẩm du lịch NN-NT đều không phải mua, bởi đó là khí hậu, sông rạch, ánh nắng, ánh trăng, là cảnh quan đồng ruộng và làng xóm. Bên cạnh đó, do vùng nông thôn còn giữ được nhiều phong tục, lễ hội, ẩm thực và phương thức sản xuất truyền thống, nên cùng với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, thì các di sản văn hóa này đem lại lợi thế lớn khi phát triển du lịch NN-NT.
Cũng theo ông Huê, hiện nay, chưa có số liệu thống kê chính thức các điểm du lịch NN-NT ở Việt Nam, nhưng có thể nói, loại hình du lịch nhà vườn, trang trại đã phát triển hàng chục năm nay, như ở Thái Nguyên là tham quan đồi chè, Hội An (Quảng Nam) với “Một ngày làm nông dân”, Lâm Đồng khuyến khích “Du lịch canh nông”, Đắk Lắk là trang trại cà phê, Ninh Thuận là tham quan đồng nho và cánh đồng cừu...
Vùng có phong trào làm du lịch nông nghiệp mạnh nhất hiện nay có lẽ là Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều mô hình đa dạng như phát triển cơ sở du lịch trên cánh đồng sen ở Đồng Tháp; vuông tôm ở Sóc Trăng, Trà Vinh; rừng đước, rừng tràm ở Cà Mau và vùng miệt vườn Vĩnh Long, An Giang...
Thực tế là các hộ nông dân sau khi chuyển sang làm du lịch nông nghiệp đều có mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với canh tác nông nghiệp truyền thống. Theo khảo sát, hầu hết các hộ nông dân làm du lịch nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp năm 2019 có thu nhập tăng hơn năm trước từ 30-40% so với chỉ làm vườn, nuôi cá hay trồng hoa. Nhiều người dân cũng trả lời rằng thích làm du lịch nông nghiệp vì cho thu nhập ổn định.
Nhờ phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”, Trà Quế (Hội An) từ một làng quê nghèo, chuyên trồng rau đã trở nên giàu có, thậm chí, nhiều nông dân trở thành tỉ phú. Kinh doanh du lịch dựa trên khai thác sản phẩm từ NN-NT cũng giúp thay đổi cả một bản làng người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới như bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Người Mông ở đây xếp đá làm đường, làm homestay, nhà ăn, trồng địa lan xung quanh bản... Mọi kiến trúc của bản được người dân bảo tồn và phát huy tối đa văn hóa bản địa để làm du lịch. Năm 2019, bản Sin Suối Hồ đón gần 20.000 lượt khách. Năm 2020, bản được vinh danh là làng du lịch cộng đồng tiêu biểu cả nước. Nhìn vào thành quả hiện tại, ít người biết rằng, trước đây, bản Sin Suối Hồ là trọng điểm về ma túy và tệ nạn nghiện hút.
Xây dựng chiến lược dài hạn
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, du lịch NN-NT sẽ “lên ngôi” sau đại dịch Covid-19. Với tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng, cùng dân số lớn, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Tuy vậy, Nhà nước cần xây dựng mục tiêu và chiến lược dài hạn để giúp cho hộ dân phát triển từ những dịch vụ đơn giản như tham quan trang trại, nhà vườn thành kỳ nghỉ vùng quê trong tương lai. Đây cũng chính là thực hiện chuyển đổi một phần ngành nông nghiệp chuyên sản xuất nông sản sang làm dịch vụ, xa hơn là phát triển nông thôn mới. Ông Huê cho rằng, cần định vị thương hiệu du lịch NN-NT gắn với “Kỳ nghỉ vùng quê” và có phiên bản tiếng Anh tương xứng.

Phân tích những hạn chế và thách thức của du lịch NN-NT, ông Huê cho biết, vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng cơ sở lưu trú farmstay ở các địa phương, vì theo Luật Đất đai thì chỉ có đất thổ cư mới được xây dựng. Vấn đề này cần được giải quyết thì mới phát triển chuỗi giá trị du lịch NN-NT hoàn chỉnh. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn và giảm thuế đối với những người khởi nghiệp du lịch NN-NT. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn an toàn về sản xuất, chế biến và môi trường đối với du lịch NN-NT.
“Liên kết vùng là xu hướng tất yếu trong phát triển du lịch NN-NT nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh về sản phẩm du lịch của mỗi địa phương, tạo sự gắn kết, hỗ trợ nhau và cung cấp sản phẩm chuỗi giá trị du lịch nông thôn phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Vì vậy, cần có quy hoạch phát triển từng vùng, tránh kiểu đua nhau làm homestay, farmstay cung vượt quá cầu” - ông Nguyễn Văn Mỹ khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Lửa Việt Tours đề xuất thành lập bộ phận chỉ đạo phối hợp giữa Văn phòng Điều phối nông thôn mới và Tổng cục Du lịch để phát triển du lịch cộng đồng bền vững; bảo tồn kiến trúc, làng nghề, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt hạn chế đô thị hóa kệch cỡm; thống nhất quy chuẩn du lịch cộng đồng xây dựng nông thôn mới và có cơ chế can thiệp, hỗ trợ người dân cụ thể.
Văn hóa là cội nguồn của phát triển du lịch nông thôn, do đó, các địa phương cũng cần phải có giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan trong phát triển du lịch nông thôn. Về vấn đề sản phẩm du lịch, các chuyên gia cho rằng, nên phát huy chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng là tiền đề cho việc phát triển du lịch nông thôn. Cùng với đó, cần có chương trình, kế hoạch nâng cao nhận thức và năng lực cho người dân bản địa trong việc xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở những địa phương có tiềm năng.
Bích Nguyên