Biên phòng - Bước qua 6 tháng đầu năm 2019, Văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam vui mừng tuyên bố, chương trình hành động du lịch trong khối ASEAN được khởi động từ đầu năm 2019 đã đạt được kết quả rõ rệt. Khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam tăng đột biến, bên cạnh đó, xuất hiện khách du lịch từ Philippines, Indonesia... Theo dự đoán, trào lưu tìm kiếm sự tương đồng về mặt văn hóa sẽ còn thúc đẩy và mang đến tiềm năng du lịch hơn nữa trong thời gian tới.
6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận sự bùng nổ du lịch khi đạt kỷ lục khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam. Các hãng hàng không của Thái Lan đồng loạt tăng chuyến bay đến Việt Nam và ngược lại. 4 tháng đầu năm đã có gần 200 ngàn lượt người Thái Lan nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch, tăng gần 50% so với cùng kỳ các năm trước, mặc dù con số này mới chỉ bằng 1/3 số khách du lịch Việt Nam qua Thái Lan.
Một trong những nguyên nhân chính được các chuyên gia phân tích là khách du lịch Thái Lan bị thu hút bởi các địa điểm du lịch mới. Trong đó, du lịch biển Trung Bộ, Nam Trung Bộ đặc biệt hấp dẫn. Những bình chọn dành cho khách du lịch trong giới truyền thông như bãi biển đẹp nhất, thành phố hấp dẫn nhất, món ăn đặc sắc nhất... trên các tạp chí du lịch toàn cầu đều có tác dụng thúc đẩy du lịch rất lớn. Hai địa danh Đà Nẵng và Đà Lạt được tìm kiếm không ngừng trên Internet, đặc biệt là sự xuất hiện của cây cầu vàng tại Vườn Thiên Thai, Khu du lịch Bà Nà Hills, Đà Nẵng với trụ cầu là 2 bàn tay nâng chính là địa điểm khao khát được đặt chân đến của du khách Thái Lan.
Hành trình du lịch ưa thích nhất của du khách Thái Lan tại Việt Nam là chặng Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Đây cũng là hành trình di sản miền Trung đặc sắc bao gồm cố đô Huế – tinh hoa văn hóa của một triều đại mang dấu ấn Việt Nam; khu du lịch hiện đại với bãi biển đẹp, cảnh quan và nghỉ dưỡng chất lượng cao Đà Nẵng; khu thị cảng cổ trầm mặc Hội An và biển đảo Cù Lao Chàm. Du khách Thái Lan có xu hướng bị hấp dẫn bởi nét văn hóa tương đối đặc sắc chung của khối ASEAN gồm có các di tích lịch sử lưu giữ sự phát triển của vùng đất, sự ảnh hưởng của Phật giáo, các khu dân cư tập trung và đô thị cổ - nơi còn giữ được thói quen ẩm thực đặc sắc, lạ lẫm. So với trước đây, họ có xu hướng sử dụng dịch vụ du lịch sang trọng hơn, khách lẻ tăng lên, đi đường hàng không và lưu trú trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Du khách Thái Lan chia sẻ: Việt Nam khá giống với không gian du lịch ở các vùng du lịch nổi tiếng của đất nước họ như Bangkok, Chiềng Mai, Pattaya..., nhưng màu sắc văn hóa lại riêng có mà hấp dẫn đặc trưng của Việt Nam. Hơn thế nữa, cùng là quốc gia sùng đạo Phật, du khách Thái Lan ưa thích chiêm bái các vùng đất có dấu ấn của chùa chiền, kiến trúc cổ. Món ăn của Việt Nam khá tương đồng với Thái Lan cơ bản được chế biến từ gạo (đặc trưng của quốc gia nông nghiệp canh tác lúa nước), thịt và hải sản, trái cây và rau xanh nhiệt đới phong phú. Giá tiêu dùng và các tour du lịch không đắt đỏ, thói quen sinh hoạt không xa lạ và khí hậu ôn hòa, dễ chịu phù hợp với du lịch mùa hè là mùa mà người Thái Lan luôn tổ chức những kỳ nghỉ quan trọng trong năm của mỗi gia đình.
Một trong những yếu tố thúc đẩy du lịch là bản thân các khu du lịch lớn hiện nay đang được xây dựng nhiều công trình hạ tầng phụ trợ. Đây là điểm cộng để tăng trưởng du lịch không chỉ với khách du lịch đến từ khối ASEAN – vùng dân cư được xem là ưa thích tiện nghi nhất thế giới. Đầu năm nay, kinh tế Thái Lan có dấu hiệu tăng trưởng, đồng baht của họ tăng giá và người Thái Lan bộc lộ mong muốn du lịch ra nước ngoài. Đón đầu nhu cầu này, Tổng cục Du lịch Việt Nam mở những chiến dịch truyền thông tiếp thị mạnh mẽ, không giấu giếm mục đích cung cấp cho thị trường du lịch Thái Lan điểm đến Việt Nam hoàn hảo cho nhu cầu của họ.
Thành công từ mô hình tăng cấp thu hút khách du lịch bắt nguồn sau Diễn đàn Du lịch ASEAN được tổ chức đầu năm nay. Thực hiện chiến lược này, các kế hoạch marketing toàn diện được khởi động, nhiều gói du lịch ASEAN mới ra đời, một số quy tắc đầu tư du lịch được ban hành, nâng cao chất lượng nhân lực làm du lịch, thống nhất thỏa thuận chung của khối ASEAN trong kinh doanh du lịch. Mục tiêu chung là từ những đặc sắc văn hóa riêng mà các quốc gia trong khối ASEAN sở hữu hướng tới phát triển kinh tế vững mạnh chung trong khối ASEAN.
Một sự liên kết bền vững trong du lịch văn hóa đã bắt đầu thành hình và đích đến được mở ra giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, các nước có đường biên giới chung như Việt Nam - Lào - Campuchia cũng đã bắt đầu xây dựng riêng những chiến lược phát triển du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có. Không chỉ có lợi thế về tương đồng văn hóa, đường biên giới chung, khoảng cách địa lý gần gụi, các nước Đông Dương còn có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng hành trình du lịch riêng mà không gặp trở ngại nào.
Thụy Văn