Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:59 GMT+7

Du lịch mùa hoa ở vùng cao

Biên phòng - Phát huy thế mạnh nông nghiệp có nhiều sản phẩm đặc hữu và nông sản bản địa, những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã chú trọng phát triển mạnh loại hình du lịch nông nghiệp, đặc biệt là du lịch mùa hoa, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân và sức bật mới ở vùng cao biên giới.

Những mùa hoa ở vùng cao là thế mạnh để phát triển du lịch ở các địa phương này (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Kiều Lê

Đến hẹn lại lên, ngay sau Tết Nguyên đán, vùng cao Bắc Hà lại nhộn nhịp vào mùa hoa mận Tả Van nở rộ, đón chân hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn. Choáng ngợp trước vẻ đẹp trắng muốt tinh khôi của bạt ngàn rừng hoa mận ở xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà), chị Nguyễn Trang Linh, du khách ở Hà Nội chia sẻ: “Thực sự, mùa hoa mận đã cho tôi và bất cứ ai đến đây đều có những cảm xúc đặc biệt, được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp mang nét đặc trưng của vùng cao. Năm nào, tôi cũng cùng nhóm bạn bè hoặc cả gia đình lên đây để trải nghiệm vẻ đẹp của mùa hoa mận nở”.

Cao nguyên trắng Bắc Hà những năm gần đây không chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi bản sắc văn hóa vùng cao, đặc sắc của chợ phiên, mà còn đem lại những trải nghiệm mới cho du khách. Đó là những mùa hoa, mùa quả đặc trưng của nông nghiệp tiểu vùng khí hậu ôn đới. Khai mở mùa xuân là mùa hoa đào núi, mùa hoa mận Tam Hoa, mùa hoa mận Tả Van, tiếp đến là mùa hoa lê Tai-nung, sau đó là mùa hoa cát cánh, mùa hoa cải, mùa hoa tam giác mạch...

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai khẳng định: “Trong định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Lào Cai luôn xác định loại hình du lịch mùa hoa cũng là một thế mạnh mang lại lợi ích “kép” trong phát triển kinh tế của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh khuyến khích các địa phương xây dựng kịch bản để phát triển mạnh loại hình du lịch này gắn với xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, dựa trên tiềm năng, lợi thế nông nghiệp mang nét đặc trưng”.

Ba năm nay, xã Tả Van Chư đã trở thành địa danh quen thuộc trên bản đồ du lịch mùa hoa của Bắc Hà. Chị Giàng Thị Say, chủ nhân ngôi nhà cổ của người Mông ở thôn Xà Ván - Sừ Mừn Khang, cũng là ngôi nhà sở hữu vườn mận Tả Van đẹp đang hút khách nhất ở Tả Van Chư cho biết: “Trước đây, chưa có nhiều du khách đến, mùa hoa cứ lặng lẽ qua đi và đơm quả. Cho nên, nguồn thu nhập chính của người dân là từ những mùa thu hoạch mận quả. Nhưng gần đây, khách du lịch đến nhiều mỗi mùa hoa nở rộ, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập từ việc cho thuê trang phục của đồng bào Mông để du khách check-in, cùng với việc du khách hỗ trợ một khoản để chúng tôi đầu tư chăm sóc mận. Nên hằng năm, gia đình tôi đã đầu tư trồng thêm nhiều hơn. Hiện tại, vườn mận của gia đình tôi có hơn 200 gốc mận cho hoa, quả mỗi mùa”.

Được huyện Bắc Hà đưa vào chương trình phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương, xã Tả Van Chư đã có kế hoạch bảo vệ và phát triển diện tích các vườn mận của các hộ gia đình trong xã. Bên cạnh hoa mận Tả Van, xã Tả Van Chư cũng xác định thung lũng hoa Cát Cánh ở thôn Lả Dì Thàng, không chỉ cho nguồn thu về sản phẩm dược liệu, mà còn là một trong những thế mạnh về du lịch mùa hoa (mùa hoa Cát Cánh nở rộ vào mùa thu hằng năm). Mỗi mùa hoa, du khách đến vườn mận check-in cũng tạo thêm nguồn thu nhập cho mỗi vườn mận hàng chục triệu đồng.

Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà đánh giá: “Bắc Hà là một điểm đến nổi tiếng của du lịch Lào Cai, do vậy, ngoài những sản phẩm du lịch truyền thống về trải nghiệm văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, du lịch chợ phiên, làng nghề truyền thống và thắng cảnh Bắc Hà, lễ hội đua ngựa..., những năm gần đây, Bắc Hà đã xây dựng thành công các chương trình du lịch nông nghiệp như: trải nghiệm mùa mận tam hoa, mùa hoa mận Tả Van. Ngoài ra, phát triển các điểm trải nghiệm các mùa hoa, mùa quả được khách du lịch đón nhận và đánh giá cao như: Trại nghiên cứu rau quả Bắc Hà, Vườn dâu tây Hàn Quốc công nghệ cao tại xã Nậm Mòn..., mang lại diện mạo mới trong phát triển kinh tế du lịch, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Bắc Hà”.

Thời điểm này, Khu du lịch Cáp treo Fansipan (Sa Pa) đang lên lịch cho khách du lịch đến trải nghiệm mùa đỗ quyên nở trong rừng nguyên sinh Hoàng Liên. Ông Nguyễn Xuân Chiến, Giám đốc Sun World Fansipan Legend Sa Pa cho biết: “Khu du lịch đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện an toàn trong tình hình “thích ứng” và phòng dịch Covid-19 hiện tại, để du khách có thể trải nghiệm “bay giữa mùa hoa”, đi cáp treo ngắm toàn cảnh những cánh rừng đỗ quyên cổ thụ từ trên cao, hay lên đỉnh Fansipan để chụp ảnh cùng hoa đỗ quyên từ sân mây... Bên cạnh hoa đỗ quyên, trong năm, tại Khu du lịch Cáp treo Fansipan vẫn luôn có những mùa hoa theo mùa (hoa oải hương, hoa rum, hoa cải dầu, hoa anh đào...) để du khách thưởng ngoạn mảnh đất Sa Pa - bốn mùa hoa trái ngát hương”.

Cùng là một địa chỉ hút dân phượt bốn phương và các tay săn ảnh mỗi mùa hoa đỗ quyên, rừng đỗ quyên cổ thụ ở Y Tý hằng năm có rất nhiều du khách lên để trải nghiệm mùa hoa. Ông Nguyễn Kiên Trung, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: “Chúng tôi đã có những kế hoạch cụ thể để hướng dẫn du khách lên đây trải nghiệm, khám phá rừng đỗ quyên cổ thụ, vừa hướng dẫn để khách du lịch không chỉ chiêm ngưỡng mùa hoa, vừa giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt, quản lý để khách du lịch có trách nhiệm, không xâm hại đến hệ sinh thái rừng”.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững sản phẩm du lịch mùa hoa ở Lào Cai, vẫn cần những quy hoạch và định hướng bài bản của từng địa phương, không để người dân phát triển tự phát, rất dễ gây những hiệu ứng không tốt về việc thu phí tham quan ở từng điểm. Đồng thời, chính quyền địa phương ngoài quản lý để phát triển loại hình du lịch này, cũng cần có những đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển, nhất là tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế từ trồng cây đặc sản bản địa. n

Kiều Lê

Bình luận

ZALO