Biên phòng - Ngành du lịch đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang có những tín hiệu khởi sắc. Trong bối cảnh dịch bệnh từng bước được kiểm soát, du khách bắt đầu quay trở lại hòn đảo xinh đẹp của Tổ quốc vốn được mệnh danh là thiên đường du lịch để tham quan những khung cảnh ngoạn mục được tạo nên từ núi lửa phun trào, hay hòa mình với thiên nhiên, làn nước biển trong xanh và bãi cát trắng dài ở đảo Bé.

Lý Sơn - điểm đến cuối tuần
Giữa tháng 3, du lịch trên đảo bắt đầu nhộn nhịp. Tuy chưa bằng những năm trước, nhưng đây là tín hiệu cho thấy du lịch đất đảo đang khởi sắc và dần phục hồi. 6 tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn đã bận rộn hơn, cao điểm từ thứ 6 đến Chủ nhật có hơn 10 lượt tàu ra vào đảo phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch.
Ông Mai Văn Tồn, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng Lý Sơn cho biết, ngày thường chỉ có 3 chuyến tàu chở từ 200-300 hành khách từ đất liền ra đảo, hành khách đi lại chủ yếu là người dân địa phương và cán bộ, chiến sĩ đi công tác.
“Ba tuần gần đây, hành khách đi lại trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn bắt đầu tăng, các đội tàu cao tốc liên tục thay phiên tăng cường công suất hoạt động, có nhiều chuyến tàu được khách đặt hết vé. Riêng thứ 6 đến chủ nhật phải tăng cường thêm 6 - 8 chuyến tàu để chở hơn 2 nghìn hành khách từ đất liền ra đảo” - ông Tồn thông tin.
Hơn 10 ca nô du lịch tuyến đảo Lớn (Lý Sơn) - đảo Bé (An Bình) cũng không còn hoạt động cầm chừng như thời điểm sau Tết, những ngày cuối tuần cũng phải chạy cuốn chiếu để chở hàng trăm lượt khách du lịch sang đảo Bé thưởng ngoạn cảnh đẹp, tắm biển, ngắm san hô và thưởng thức hải sản. Hạ tầng du lịch ở đảo Bé bị các con bão cuối năm ngoái đánh sập, ngổn ngang giờ đã được người dân khôi phục lại để khai thác trong mùa du lịch.
Chị Phạm Thị Thâu, chủ homestay Bé Ecologde ở đảo Bé, huyện Lý Sơn cho biết, hiện Bé Ecologde đã khôi phục lại mô hình homestay bungalow của mình để đón khách, những ngày cuối tuần, Bé Ecologde đón hơn 10 khách lưu trú, trải nghiệm. “Khách lưu trú giảm gần 50% so với năm trước, nhưng đây là tín hiệu lạc quan để phục hồi, vực dậy ngành công nghiệp không khói của huyện đảo trong thời gian tới” - chị Thâu hi vọng.
Hơn 130 cơ sở lưu trú ở Lý Sơn cũng nhộn nhịp khai thác trở lại sau thời gian dài uể oải vì dịch Covid-19. Công suất phòng lưu trú của du khách tại các khách sạn, nhà nghỉ ở đaỏ Lớn đã bắt đầu tăng dần.
Bà Lê Thị Hậu, Phó Giám đốc kinh doanh Khách sạn Mường Thanh Lý Sơn, cho biết, những ngày cuối tuần, Mường Thanh Lý Sơn đón trên 120 khách lưu trú, công suất khai thác phòng tăng lên 30% so với thời điểm đầu năm. “Chúng tôi có chương trình thương mại hấp dẫn kích cầu du lịch. Tuy giảm mạnh giá dịch vụ, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo” - bà Hậu nói.
Dù cơ sở hạ tầng không thể sánh bằng các khu du lịch lớn, nhưng so với các điểm du lịch khác trong cả nước, Lý Sơn đang ẩn chứa trong mình những nét quyến rũ riêng mà không nơi nào có được. Đó là phong cảnh hoang sơ, bãi biển đẹp, không khí trong lành. Và nhất là nơi đây còn lưu giữ rất nhiều hiện vật liên quan đến chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, Lý Sơn luôn là điểm hấp dẫn đối với du khách.
Các điểm du lịch nổi tiếng như chùa Hang, hang Cau, chùa Đục, Cổng Tò Vò, bãi Sau đảo Bé cũng không còn vắng vẻ, đìu hiu. Biển đảo là sự lựa chọn hàng đầu của khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát. “Khi dịch bệnh được kiểm soát thì nhóm bạn tôi muốn tìm một nơi nào đó để tham quan, du lịch, tìm hiểu chủ quyền biển đảo, thì Lý Sơn là một lựa chọn tốt nhất” - du khách Kiều Quang Zin chia sẻ.
Tuy chưa là cao điểm mùa du lịch, nhưng trong tháng 4 này, nhiều cơ sở lưu trú trên đảo đã được khách liên hệ đặt kín phòng.
Đổi mới để thu hút khách du lịch
Năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với du lịch Lý Sơn, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh khiến du lịch ở hòn đảo này thiệt hại gần 200 tỷ đồng. Hơn một năm sống chung với dịch, chính quyền, tổ chức, cá nhân làm du lịch ở Lý Sơn đã linh động thích ứng. Là “thỏi nam châm” của du lịch Quảng Ngãi, Lý Sơn đang hướng đến du lịch thông minh, tiện lợi gắn với thiên nhiên bảo tồn văn hóa bản địa là cách làm du lịch mới để tạo sức hút cho Lý Sơn, hướng đến mục tiêu có “vị trí đặc biệt” trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ngay từ đầu năm 2021, Lý Sơn đã gắn 28 mã QR cho các điểm du lịch. Đây là sự tiện lợi, thông minh, bởi du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR, từ đó thì sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về các di tích, thắng cảnh, điểm du lịch, đặc sản, nghề trồng hành tỏi mà không cần tốn nhiều thời gian. Lý Sơn cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tới các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, người dân và khách du lịch đến tham quan, lưu trú tại Lý Sơn, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng ngành du lịch, đưa du lịch Lý Sơn trở nên “văn minh - thân thiện và và trách nhiệm”.
Phát triển các loại hình du lịch, nhất là đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng đang được Lý Sơn chú trọng. Trọng tâm là bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử, di sản lễ hội để phát triển du lịch.

Hiện, một khách sạn trên đảo đang hoàn thiện Đề án tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thu nhỏ để tạo không gian giải trí văn hóa truyền thống cho khách du lịch, chương trình có hát bài chòi, hát ru, thổi ốc u tái hiện không gian tiễn đưa binh phu Hoàng Sa năm xưa vượt biển ra cắm mốc dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, huyện đã chỉ đạo Phòng văn hóa và Thông tin phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, thống kê xây dựng Đề án trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử; duy trì, tổ chức các lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và tham quan của khách du lịch.
“Chúng tôi cũng tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa phục vụ phát triển du lịch; nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm du lịch; tập trung xử lý môi trường và nguồn nước ngọt phục vụ người dân cũng như khách du lịch được tốt hơn” - ông Ninh nói.
Lý Sơn đang khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm kéo dài thời gian lưu trú của du khách như: du lịch trải nghiệm trồng hành tỏi, du lịch lồng bè, du lịch câu cá, lặn ngắm san hô, du lịch trải nghiệm văn hóa...
Và việc du khách đang quay trở lại Lý Sơn trong bối cảnh dịch bệnh từng bước được kiểm soát là một tín hiệu vui. Hy vọng trong tương lai không xa, Lý Sơn sẽ tiếp tục là điểm đến ấn tượng, hấp dẫn đối với du khách.
Hữu Danh