Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Du lịch đồng bằng sông Cửu Long tháo điểm nghẽn

Biên phòng - Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, hiện là khu vực đông dân cư, đất đai phì nhiêu, sông ngòi trải rộng, tiềm năng dư thừa nhưng kém phát triển nhất về du lịch so với các vùng, miền khác của cả nước. Tuy nhiên, nỗ lực tháo điểm nghẽn đáng kể nhất trong năm vừa qua lại chính là việc đã nhìn nhận ra 3 tồn tại lớn: Khâu quảng bá xúc tiến kém, nhân lực yếu, dịch vụ du lịch đơn điệu.

jpb1_22a
Ngôi nhà cổ Bình Thủy, Cần Thơ trong số rất ít các di tích kiến trúc trên bản đồ du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTH 

Không sở hữu hành trình di sản đồ sộ như miền Trung, vùng biển đảo nắng gió tuyệt đẹp như Nam Trung bộ và cảnh sắc hùng vĩ thơ mộng như Tây Bắc, Đông Bắc bộ, Nam bộ bằng lòng với các từ khóa cũ kỹ về du lịch cả thập kỷ không thay đổi như: Chợ nổi, mùa lũ lành, ẩm thực đất phương Nam... Vùng đất rộng lớn như chiếc bánh tráng cán mỏng, không có điểm nhấn, thiếu sự khác biệt. Du khách nếu đáp xuống thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần chạy xe chưa đầy 1 giờ đồng hồ xuống cù lao An Thới, Tiền Giang, hoặc Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, hoặc Tân An, Long Xuyên là đã có thể biết đủ về Nam bộ: Thưởng thức văn hóa cù lao, miệt vườn cây ăn trái, đi thuyền trong vàm dừa nước, thưởng thức đặc sản Nam bộ. Các tỉnh khác cũng lặp lại cách làm du lịch không mới, bình dị, đơn điệu kiểu “cà rịch -cà tang” không đi đâu mà vội - như chính những người Nam bộ thường nói về lối sống của bản thân mình. 

Các vùng miền khác tăng trưởng du lịch tính hàng năm biến động 2 con số, riêng đồng bằng sông Cửu Long tính hàng chục năm qua, tốc độ tăng trưởng mới là 13%. Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu kinh tế Nam bộ đã lần đầu tiên tổ chức diễn đàn liên kết du lịch toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm vừa qua. Cho đến đầu năm 2020, cục diện đã có biến chuyển ban đầu với sự đáp ứng của các tỉnh, thành. Một số biện pháp được đề xuất là tiến hành ngay công tác rà soát, chuẩn hóa và nâng cấp các di tích lịch sử thành điểm du lịch. Việc xây dựng thương hiệu riêng của vùng, của từng địa phương ấn tượng và có bản sắc. Du lịch xanh là hướng đi nhiều địa phương tiếp cận vì cho đến thời điểm này, lối sống gần gũi với thiên nhiên vẫn được đề cao. Và một cái đích đến không thể né tránh mà chỉ có thể đi tới nhanh nhất, đó là sử dụng công nghệ thông tin vào số hóa để tạo ra môi trường du lịch thông minh. 

Trong xu thế chung, việc áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch là điều phải làm, liên kết quy mô vùng cũng là tất yếu. Chỉ có một mục tiêu quan trọng nhất quyết định sự phát triển bền vững là yếu tố con người phát huy trên nền di sản văn hóa. Nguồn nhân lực cần chất lượng hơn, năng lực dồi dào để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng, làm chủ di sản văn hóa và bản thân họ phải trở thành thực thể bảo tồn các giá trị văn hóa. Từ năm 2020, kỷ nguyên mới trong việc tổ chức sắp xếp lại, đầu tư cho nguồn lực con người và công nghệ sẽ ưu tiên cho số hóa các di sản văn hóa, áp dụng công nghệ thông minh trong quảng bá xúc tiến du lịch, trong đó, nhân tố con người đặc biệt quan trọng. Mục tiêu là mọi người dân đều phải tham gia vào guồng quay du lịch và được hưởng thụ lợi ích từ du lịch. 

Đi theo hướng phát triển đó, người dân sẽ là đối tượng thụ hưởng ưu tiên của phát triển du lịch. Gốc gác văn hóa của Nam bộ mang ra làm du lịch là lối sống khoáng đạt, thân thiện, mến khách của người dân. Người Nam bộ phần lớn không hề biết cuộc sống màu sắc phong phú, đặc trưng vùng sông nước của họ có thể trở thành thứ mang ra làm du lịch, nuôi sống con người trên chính vùng đất đó. Vượt qua được định kiến lâu nay cho rằng đồng bằng sông Cửu Long đi một ngày là hết vị, không có lý do nào để du khách ở lại qua đêm, chỗ nào cũng na ná giống nhau, đơn điệu, thiếu sự đa dạng và khác biệt. 

Trên thực tế, không hẳn các tỉnh, thành Nam bộ đều giống nhau. Thực tế, mỗi địa phương tự hào về một hình ảnh riêng của chính mình. Đơn cử như Bến Tre có thể tô đậm hình ảnh cây dừa và biến đây trở thành một lợi thế không có tỉnh, thành nào so sánh được. Trước đây, đã có thời kỳ, một số cơ quan, doanh nghiệp của Bến Tre dùng nước dừa để tiếp khách. Bất cứ ai đặt chân tới Bến Tre cũng được uống nước dừa thay nước tinh khiết. Việc này cũng như thử nghiệm dùng món mèn mén (bột ngô đồ chín) trong bữa tiệc ngoại giao của tỉnh Hà Giang từng làm. Dù gây được ấn tượng hay không, nhưng thử nghiệm là đáng giá để đo đếm phản ứng của khách du lịch, lại cũng có tác dụng rõ rệt là để lại dấu ấn riêng.  

vna2_22b
Đời sống sông nước miệt vườn Nam bộ vẫn là linh hồn của du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTH

Trong số các điểm nghẽn du lịch được bàn tới gần đây, đồng bằng sông Cửu Long “mắc cạn” với hầu hết các điểm nghẽn thống kê là nguồn lực yếu, hạ tầng thiếu, quảng bá kém và không liên kết vùng. Vì không có quy hoạch vùng du lịch nên dịch vụ du lịch vừa nhỏ, vừa manh mún. Le lói một chút ánh sáng trong sự mông lung có lẽ thuộc về một thông tin có tính chất gợi mở là Cần Thơ lọt vào danh sách các thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới – thông tin được tạp chí Departures của Mỹ công bố năm 2019. Hành trình du lịch trên sông thăm thú chợ nổi Cái Răng và thưởng thức văn hóa miền sông nước hiện cũng đang là sản phẩm du lịch thu hút du khách bậc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Một vài doanh nghiệp lữ hành cũng chỉ mới dè dặt mở các tuyến du lịch đường sông đi các tỉnh lân cận, hoặc có thể từ trung tâm đồng bằng theo các cửa sông ra tới Côn Đảo và các vùng biển, đảo gần bờ. Đó cũng đã là cả một sự táo bạo trong bối cảnh du lịch vùng gần như không có đột phá.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO