Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 05:44 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật An ninh mạng tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện

Biên phòng - Trong 2 ngày 10-11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Phiên họp thứ 20, thảo luận Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Nghị quyết về việc điều chỉnh vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020…

201801111307235245-ndn-2445
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 20 của UBTVQH. Ảnh: CTV

Thảo luận về Luật Quốc phòng (sửa đổi), các ủy viên UBTVQH nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Đối với quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng nhằm thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; cụ thể hóa Khoản 13 Điều 70 Hiến pháp 2013 “Quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia”.

Để làm rõ hơn vấn đề, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình: Việc bổ sung tình trạng khẩn cấp về quốc phòng rất cần thiết để có giai đoạn chuẩn bị cho tình huống tuyên bố đất nước trong tình trạng chiến tranh. Thực tế đã xảy ra tình trạng đất nước bị xâm lược, nhưng nước ta vẫn chưa tuyên bố tình trạng chiến tranh... Vì vậy, quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng khi đã xảy ra hành động đất nước bị xâm lược cùng với các tình huống khác như khi đất nước có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh là phù hợp.

Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật An ninh mạng, đặc biệt là quy định tại Khoản 4, Điều 27, Thượng tướng Võ Trọng Việt nêu rõ, để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng mạng viễn thông, internet xuyên quốc gia vào Việt Nam vi phạm pháp luật, nhất là tuyên truyền chống Nhà nước, kích động chống đối, phá hoại an ninh, gây rối trật tự công cộng... thì bắt buộc một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, qua tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH tại Kỳ họp thứ 4, Ban soạn thảo đã lược bỏ quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” và chỉnh lý theo hướng “lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam và các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam đối với trường hợp quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 27”.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, đối với dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Ủy  ban Quốc phòng - An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, cũng như tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn chỉnh dự án luật để trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào đầu tháng 4 năm 2018 và đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5-2018.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH sẽ chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 21 vào trước Tết Nguyên đán, đề nghị các thành viên của UBTVQH trên cơ sở nghị quyết Đại hội XII bắt đầu chỉ đạo chuẩn bị để xem lại hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đánh giá từng lĩnh vực được phân công phụ trách và chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Danh Anh

Bình luận

ZALO