Biên phòng - Trong những năm qua, nhận thức được sự cấp thiết của công tác hợp tác quốc tế trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm, BĐBP Việt Nam đã chủ động xây dựng cơ chế hợp tác với lực lượng chức năng của các nước có chung đường biên giới trên đất liền trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới (KVBG).
- Chức năng chủ trì của BĐBP được khẳng định trong cả lý luận và thực tiễn
- Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới
- Tạo cơ sở nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Thời gian qua, BĐBP Việt Nam đã triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về hợp tác với các quốc gia trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy, mua bán người; hợp tác điều tra cơ bản địa bàn biên giới, xác lập, phá nhiều chuyên án, phối hợp giải cứu thành công nhiều nạn nhân trong các vụ mua bán người; truy bắt các đối tượng bị truy nã đang lẩn trốn ở KVBG.
Thông qua hợp tác với các lực lượng chức năng ở KVBG các nước đối diện, BĐBP đã có những thông tin kịp thời, mới nhất về tình hình hoạt động của các tổ chức tội phạm hai bên biên giới, tội phạm về ma túy, mua bán người; hoạt động di cư tự do, kết hôn không giá thú...; tiếp nhận, xử lý, trao đổi thông tin về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, xuyên biên giới, tội phạm có yếu tố nước ngoài với lực lượng chức năng các nước đối diện.
Thống kê từ tháng 10-2015 đến tháng 5-2020, BĐBP Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng chức năng của Lào đấu tranh thắng lợi 86 chuyên án, bắt 204 đối tượng, thu giữ 3.274kg ma túy các loại, 31 súng, 257 viên đạn, 58 ô tô, 52 xe máy cùng nhiều tang vật có liên quan, triệt phá hàng chục đường dây vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” về Việt Nam. Riêng năm 2019, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với lực lượng chức năng của Lào, Campuchia đấu tranh 21 chuyên án, 8 vụ án chống tội phạm ma túy, bắt 64 đối tượng, thu 602,5kg ma túy các loại...
Tuy nhiên, lĩnh vực hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm cụ thể của BĐBP Việt Nam với các lực lượng chức năng của nước láng giềng đòi hỏi đồng thời phải tuân thủ các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước cùng tham gia và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế song phương giữa hai nước.
Quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc tập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc “có đi có lại” nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế. Hiện nay, BĐBP Việt Nam cơ bản đang thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm theo nguyên tắc này.
BĐBP Việt Nam là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự ở KVBG; là lực lượng trực tiếp, thường xuyên quan hệ hợp tác với các lực lượng chức năng ở bên kia biên giới. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có quy định cụ thể nào cho BĐBP trực tiếp thiết lập cơ chế về quan hệ quốc tế trong phòng chống tội phạm. Trong khi đó, ở các quốc gia có chung đường biên giới, chủ thể về quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống tội phạm có chức năng, nhiệm vụ và ngành chủ quản khác nhau.
Hiện tại, môi trường pháp lý, cơ chế đảm bảo cho BĐBP quan hệ, hợp tác quốc tế với các lực lượng chức năng của quốc gia đối diện trong phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự ở KVBG chủ yếu dựa vào cơ chế đối ngoại quốc phòng, biên phòng và hợp tác, quản lý, bảo vệ biên giới là chưa phù hợp. Do vậy, cần phải được hoàn thiện, đảm bảo cơ sở pháp lý cho BĐBP hoàn thành nhiệm vụ. Bởi, đặc thù của hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm là hoạt động vừa có tính nghiệp vụ bí mật, vừa là hoạt động tố tụng công khai nên phụ thuộc vào địa bàn và ý định hợp tác và phải tuân thủ quy định pháp luật trong nước của từng quốc gia.
Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế, đồng thời, quy định về “Quyền hạn của BĐBP” trong “Quan hệ, phối hợp với lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới, các nước và tổ chức quốc tế khác trong quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để BĐBP trực tiếp xây dựng cơ chế, ký thỏa thuận hợp tác với lực lượng chức năng của các nước đối diện, góp phần đảm bảo cho BĐBP “đối phó thắng lợi các thách thức an ninh phi truyền thống, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội KVBG, quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia” đã được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Dự án Luật Biên phòng Việt Nam quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm của BĐBP được coi là biện pháp tấn công, bao vây về mặt pháp luật đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm ở KVBG hai bên, hạn chế sự qua lại vi phạm chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới và tăng cường hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến biên giới Việt Nam.
Thạc sĩ Đàm Đình Khang