Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 02:08 GMT+7

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý:

“Dư âm” còn mãi

Biên phòng - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - một tên tuổi của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ 20, nổi tiếng với nhiều ca khúc bất hủ: “Mẹ yêu con”, “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Dư âm”... Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhiều thế hệ khán giả.

4wj9_9a
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ảnh: Độc Lập

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Các tác phẩm âm nhạc của ông luôn được ông chắt chiu, nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài. Nhiều sáng tác của ông sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của vùng miền, chất trữ tình được thể hiện qua lời ca trau chuốt cùng với giai điệu mượt mà và mang đậm bản sắc dân tộc. 

Ai trong mỗi chúng ta, khi cất lên tiếng hát đều không thể quên những nhạc phẩm rất đỗi thân thương của ông, những giai điệu bất tận về tình yêu quê hương đất nước, về những vùng đất, con người, tình yêu của mẹ cha dành cho con cái và tình yêu lứa đôi. 

Không ít nhạc sĩ nhận xét rằng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và truyền cảm hứng khiến ta yêu lây những vùng đất mà ông đã đến, cảm nhận và kể lại trong tác phẩm của mình; khiến ta dù có thể chưa đến mảnh đất ông kể cũng cảm thấy gần gũi và yêu nó đến nhường nào. Khi viết ca khúc về một vùng đất nào đó thì tác giả đưa vào đó cả âm sắc lẫn ca từ cùng với tình cảm thể hiện mà nhiều người cho rằng: “Nếu không phải là người địa phương chính gốc thì khó có thể viết được như thế”. Như ca khúc “Dáng đứng Bến Tre”, có lẽ, không ít người ngạc nhiên khi “cha đẻ” của bài hát lại không phải là người miền Nam, nhưng chất miền Nam lại được thể hiện vô cùng rõ nét trong bài hát.

Đề tài về người phụ nữ cũng được ông sáng tác trong nhiều ca khúc quen thuộc. Hình ảnh người mẹ trong bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” đã làm rung động hàng triệu trái tim chiến sĩ và các thế hệ thanh niên. Đó là hình ảnh của bà mẹ hy sinh tất thảy vì chồng, con, vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, bà mẹ đã sinh thành ra lớp lớp những chiến sĩ, anh hùng lồng với hình bóng cao cả của bà mẹ Tổ quốc. 

Bài hát ra đời năm 1973, hình ảnh các bà mẹ tiễn con bằng những tấm áo với tất cả tấm lòng mẹ đã gửi gắm vào đường kim, miếng vá trong những đêm trắng để chuẩn bị cho ngày mai các con của mẹ đi vào chiến trận. Và với tấm áo ấy, con đã đi khắp mọi miền Tổ quốc, đã sưởi ấm lòng con khi ở chiến trường khốc liệt, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Tấm áo của mẹ là quê hương, là đất nước, là nguồn động viên vô tận của chúng con trên mọi nẻo đường. 

“Lạ kỳ thay con đi như thế... nhắm chân trời rạng rỡ ánh dương”. “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc, để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc quần nhau với giặc, áo con rách thêm nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm, vá áo...”. Một lần nữa, tác giả đã khẳng định được niềm tự hào, sự hy sinh của người mẹ Hà Bắc nói riêng và những bà mẹ Việt Nam nói chung, là hình ảnh bất diệt trong trái tim của hàng triệu người con ra trận. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã vận dụng khéo léo chất liệu dân gian cho nhiều sáng tác của mình như dân ca Nghệ - Tĩnh, dân ca Nam bộ, dân ca đồng bằng Bắc bộ, dân ca Mông. Với tính chất du dương, uyển chuyển, sâu lắng nhưng trang nhã, hào hoa đã thể hiện qua các giai điệu dân ca trong ca khúc của ông như: “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Mẹ yêu con”, “Tiếng chim hót trên đồng đay”, “Em đi làm tín dụng”... 

Trong đó, bài hát “Em đi làm tín dụng” được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết về đề tài tín dụng ở miền núi. Ông đã lấy chất liệu dân ca Mông, chủ yếu là lối tiến hành âm điệu và nhịp điệu. Nhiều bài hát với giai điệu trữ tình mượt mà đi vào lòng người, thể hiện rõ nét tình yêu quê hương, đất nước như: “Bài ca năm tấn”, “Tiễn anh lên đường”, “Mùa Xuân cô nuôi dạy trẻ”...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những “cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam. Ông yên nghỉ, nhưng gia sản âm nhạc đồ sộ mà ông để lại cho đời sẽ còn lưu truyền và được yêu mến mãi...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5-3-1925, tại tỉnh Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc với người cha thông thạo nhiều loại hình âm nhạc dân gian (hát văn, hát chèo...). Bên cạnh những ca khúc đi cùng năm tháng như “Dư âm”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”..., ông còn là tác giả của nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng như: “Màu áo chú bộ đội”, “Tôi là gà trống”, “Gà mái mơ”, “Út cưng”... Ông viết nhạc cho phim hoạt hình, múa rối và một số vở chèo: “Đảo nổi”, “Sông Hồng” (năm 1967), “Nguyễn Viết Xuân” (năm 1968). Năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh, cùng xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của thanh niên cứu quốc tỉnh Nghệ An. Đến cuối năm 1957, ông cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật.

Hà An

Bình luận

ZALO