Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 01:13 GMT+7

Đột phá Mỹ-Triều liệu có chấm dứt bế tắc trên bán đảo Triều Tiên?

Biên phòng - Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lời mời gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát đi một tín hiệu đột phá ngoại giao tiềm tàng trong nỗ lực chấm dứt bế tắc hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

ak76up0hlc-73637_9cc994f7-f4f7-fed8-6353-96dd36772346@yahoo.com_anh_bai_chinh
Hình ảnh của Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên truyền hình Hàn Quốc ngày 9-3. Ảnh: Reuters

Tín hiệu đột phá

Theo xác nhận của người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 8-3, Tổng thống Donald Trump chấp nhận lời mời gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 5 tới. Người phát ngôn trên cũng nhấn mạnh, Mỹ hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên, song trong thời gian này tất cả các lệnh trừng phạt và sức ép tối đa với Triều Tiên vẫn được duy trì. Nếu điều này diễn ra theo đúng như dự đoán, đây sẽ là cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều đầu tiên từ trước tới nay, là “dấu mốc lịch sử” được kỳ vọng mở ra cơ hội tạo đột phá trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Một ngày sau khi chấp nhận lời mời họp thượng đỉnh với lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump đã điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục duy trì sức ép trên Bình Nhưỡng để buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Cả hai nhà lãnh đạo cũng cam kết duy trì sức ép và các biện pháp trừng phạt cho đến khi nào Bình Nhưỡng có những bước chuyển rõ ràng hướng tới việc phi hạt nhân hóa toàn diện, kiểm chứng được và không thể đảo ngược được.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong một cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Mỹ, đã nhấn mạnh rằng “cộng đồng quốc tế cần duy trì đoàn kết nhằm hướng đến một cuộc đối thoại với đòi hỏi cao với Triều Tiên, dẫn đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ca ngợi đây là “một bước đi theo hướng đúng” và bày tỏ hy vọng là cuộc gặp Donald Trump và Kim Jong-un sẽ diễn ra.

Việc Tổng thống Donald Trump nhất trí gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 5 tới cho thấy những chuyển động xoay chiều nhanh chóng và tích cực nếu so sánh với tình hình chỉ vài tháng trước, khi bán đảo Triều Tiên liên tục trong tình trạng cận kề "miệng hố chiến tranh" với những tuyên bố đe dọa cứng rắn từ cả Oa-sinh-tơn lẫn Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, với hàng loạt động thái "ngoại giao thể thao" hay "ngoại giao ăn tối", cuộc gặp thượng đỉnh dường như đang trở thành "chìa khóa" mở cửa đối thoại Mỹ - Triều.

Để đạt được kết quả này phải ghi nhận vai trò quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bởi ông Mun chính là tác giả của cú đột phá ngoại giao có thể nói là quan trọng nhất trong hơn 2 thập kỷ qua trên bán đảo Triều Tiên. Từ khi lên nắm quyền, chính sách ngoại giao kiên trì, mềm dẻo và luôn hướng đến đối thoại mà Tổng thống Mun Chê In tiến hành đã đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát sự căng thẳng từng có lúc lên đến đỉnh điểm trên bán đảo Triều Tiên. Hai chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc nhân Olympic Mùa Đông PyeongChang 2018, trong thành phần đoàn có bà Kim Kim Yo Jong, em gái và là cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cùng chuyến thăm của đoàn đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng hôm 5-3, đã trở thành những "cú hích" làm thay đổi cục diện.

Chính sách mềm dẻo và kiên nhẫn của chính quyền Hàn Quốc đã được nhà lãnh đạo Triều Tiên "đáp lại" với những tuyên bố được xem là "nhượng bộ đáng kể", từ việc chủ động đề nghị tổ chức thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 tới, đến cam kết ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong khi tiến hành đối thoại với Hàn Quốc, đồng thời sẵn sàng đối thoại với Mỹ về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nếu các mối đe dọa quân sự đối với Bình Nhưỡng được xóa bỏ.

Còn quá sớm để kỳ vọng

Tuy nhiên, lịch sử tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhiều năm qua cho thấy còn quá sớm để hy vọng căng thẳng hiện nay sẽ nhanh chóng được giải quyết. Đầu tiên, đó là ý định thực sự của Triều Tiên là đi xa đến đâu? Ý tưởng về việc Triều Tiên chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân mà các thế hệ lãnh đạo nước này bất chấp tất cả để theo đuổi vài thập kỷ qua, vẫn là điều gì đó rất khó tin, bởi đây không chỉ là vũ khí để Triều Tiên bảo vệ chủ quyền của mình mà còn vì bất cứ nỗ lực phi hạt nhân nào trên bán đảo Triều Tiên cũng rất khó đến chỉ từ một phía.

Một sự “phi hạt nhân hoá” có thể sẽ đồng nghĩa với việc áp dụng cho toàn bộ bán đảo Triều Tiên, và tương ứng với phía Hàn Quốc là việc xoá bỏ sự hiện diện quân sự của vài chục ngàn lính Mỹ trên đất Hàn Quốc. Đây là điều khó chấp nhận với phía Mỹ, dù cho đến thời điểm này Bình Nhưỡng vẫn chưa nhắc gì đến điều kiện này.

Về phía Mỹ, mặc dù tỏ tín hiệu chấp thuận gặp gỡ cấp cao với lãnh đạo Triều Tiên, song vẫn tuyên bố không từ bỏ các biện pháp trừng phạt, gây sức ép với Bình Nhưỡng, cho thấy Washington vẫn chưa có sự tin tưởng thực sự đối với Triều Tiên. Hơn nữa, trong một năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thế giới thấy những cách tiếp cận khó đoán của ông trong vấn đề Triều Tiên. Sau khi nhiều lần đe dọa “hủy diệt Triều Tiên”, giờ đây, Tổng thống Donald Trump tỏ ra muốn làm hòa. Không có gì bảo đảm là sẽ đạt được kết quả, nhưng Tổng thống Mỹ tin tưởng vào tài năng thương lượng của một doanh nhân. Ông cũng muốn tin rằng Bình Nhưỡng sẽ tôn trọng ít ra là lời cam kết ngưng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, để một cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra. Chính vì vậy, dư luận thế giới vui mừng, nhưng vẫn thận trọng trước những diễn biến mới nhất trong vấn đề Triều Tiên.

Nhưng dù sao đi nữa, việc Mỹ và Triều Tiên quyết định ngồi vào bàn đàm phán cho thấy nỗ lực của hai phía nhằm đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO