Biên phòng - Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, diện tích trồng na ở huyện Chi Lăng nói riêng và toàn tỉnh Lạng Sơn nói chung ngày một tăng, khi chỉ tính riêng tại huyện Chi Lăng thì tổng số diện tích đất trồng na đã lên tới hơn 2.300ha và còn gia tăng trong những năm sắp tới. Sở dĩ như vậy là vì cây na mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhiều gia đình từ đói nghèo tiến lên khá giả nhờ “làm bạn” với cây na chỉ sau một thời gian không dài…

Giá trị kinh tế ổn định từ cây na
Nếu như cách đây khoảng 15 năm, người dân ở Lạng Sơn vẫn còn dè dặt đưa cây na vào trồng, bởi nhiều người vẫn chưa thật sự tin tưởng về giá trị kinh tế ổn định, bền vững của nó. Thế nhưng, khi nhìn thấy thực tế một số gia đình “đi đầu” trồng na mang lại hiệu quả kinh tế với thu nhập cao, thì nhiều gia đình khác xưa nay vẫn trung thành với các loại cây trồng cho thu nhập thấp, bấp bênh như sắn, keo, cây ăn quả tạp các loại… đã bắt đầu chuyển qua trồng na. Được biết, cây na tính từ lúc đặt trồng tới khi có quả, cho thu hoạch chỉ mất khoảng từ 4 đến 6 năm, hơn thế, đây là loại cây khá “dễ tính” khi nó không kén đất, ít sâu bệnh...
Chị Ma Thị Lan (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng), chủ nhân của nương na 9 năm tuổi, với số lượng lên tới gần 1.000 cây cho biết, từ khi chuyển qua trồng na, chị nhận thấy loại cây ăn quả này năm nào cũng cho thu nhập rất ổn định, giá trị kinh tế cao, chứ không bấp bênh như một số loại cây trước kia gia đình canh tác. Chị Lan kể: “Khi xưa còn trồng keo, sắn… thì toàn bộ diện tích giống như bây giờ đang trồng na, mỗi năm chỉ cho thu nhập không tới 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ khi chuyển qua trồng na, sau khoảng thời gian 5 năm đầu, từ thời điểm năm thứ 6 trở đi khi na bắt đầu cho quả thì nguồn thu luôn ổn định trong khoảng 250 triệu đồng/năm, thậm chí có năm còn cao hơn...”. Cũng theo chị Lan, “ưu điểm” của cây na là việc đầu tư tiền bạc không nhiều, khi giá cây giống chỉ từ 20.000 đến 50.000 đồng/cây, tùy loại giống, hay độ to, nhỏ khác nhau. Cái hay của cây na là trồng một lần rồi thu hoạch nhiều năm, trong khi lại tốn ít công sức chăm sóc…
Giống như chị Lan, gia đình anh Trần Văn Thành (thị trấn Chi Lăng) cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang “làm bạn” với cây na từ 7 năm nay. Được biết, vườn na của gia đình anh đã bắt đầu cho quả từ 3 năm nay, với mỗi vụ thu cả trăm triệu đồng. Anh Thành kể, trước kia gia đình trồng cây keo thì phải tới gần chục năm mới cho thu hoạch, nhưng nguồn thu tính chi li thì chẳng lời lãi bao nhiêu. Khi chuyển qua trồng na, giai đoạn 4 năm đầu có vất vả, nhưng từ khi na cho quả thì nhàn và thu nhập ổn hơn rất nhiều.
Miền Bắc có nhiều địa phương trồng na, nhưng thương hiệu quả na của huyện Chi Lăng đã được khẳng định từ nhiều năm nay. Gần đây, nhiều bà con nông dân ở đây còn trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, khi mà phương thức canh tác này dẫu đòi hỏi đáp ứng nhiều quy định khắt khe để đảm bảo chất lượng cũng như an toàn thực phẩm, nhưng bù lại, giá thành của sản phẩm rất cao, gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi sản phẩm theo lối canh tác thông thường. Ví dụ, na canh tác thông thường có giá bán trung bình từ 35.000-45.000 đồng/kg, trong khi na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giá bán buôn tại vườn đã dao động từ 65.000-90.000 đồng/kg.
Nhiều hộ khấm khá lên nhờ trồng na
Dạo quanh “thủ phủ” của cây na của tỉnh Lạng Sơn, đó là huyện Chi Lăng, trong những ngày trung tuần tháng 9 năm 2022 này, khi na đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ, chúng tôi được biết, ngoài một số hộ trồng na với diện tích nhiều đã thực sự trở nên giàu có, thì đại đa số những hộ dân khác, dù diện tích không nhiều nhưng điều kiện kinh tế cũng tạm thoát nghèo.

Gia đình chị Lê Thị Hồng (xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng) là một trong số các trường hợp như thế. Gia đình chị trước kia trồng sắn, cây keo lai…, có thu nhập rất thấp, bấp bênh; nhưng từ năm 2015, khi đưa cây na vào trồng và mấy năm nay, na bắt đầu cho quả thì kinh tế gia đình chị đã khá lên nhiều so với trước.
Chị Hồng kể: “Khi thấy nhiều hộ tại địa phương trồng na đều khá lên, tôi đã bàn với chồng rồi đi tới quyết định phá bỏ hết sắn, rau màu, bán cây keo để chuyển qua trồng na. Giai đoạn đầu chuyển đổi quả là vất vả, túng đói, nhưng lúc na có quả và bắt đầu cho thu hái thì kinh tế gia đình đã ổn hơn. Chỉ sau 2 vụ na, tôi đã trả hết nợ hơn 100 triệu đồng, rồi còn tích cóp được một ít tiền bạc…”. Được biết, thu nhập từ vụ na gần đây, gia đình chị Hồng đã sang sửa được ngôi nhà cũ nát, mua sắm được một số tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, xe máy… Ngoài ra, chuyện lo cho các con ăn học cũng không còn vất vả, tất tưởi vay mượn như ngày xưa.
Giống như gia cảnh chị Hồng, gia đình anh Trần Văn Long (xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng) trước kia cũng trồng keo, sắn và chuyển qua trồng na từ 6 năm nay. Đến nay, mới chỉ có 2 vụ na cho quả nhưng kinh tế gia đình anh đã từ chỗ đói nghèo tiến tới no đủ. Theo lời anh Long thì với gần 1 mẫu diện tích trồng na, mỗi năm mang lại nguồn thu khoảng gần 300 triệu đồng, sau khi đã trừ hết chi phí.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: “Na Chi Lăng hiện đã là một thương hiệu, là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho người nông dân. Bằng nỗ lực, khát khao của mình, người dân Chi Lăng đã biến những khó khăn thành cơ hội, góp phần xây dựng Chi Lăng trong thời kỳ mới, tạo nên một vùng sản xuất na tập trung lớn nhất miền Bắc. Người nông dân tại đây đã thu nhập hàng nghìn tỉ đồng qua việc trồng na, từ đó, tạo sức bật cho việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới mang đặc sắc riêng có của Chi Lăng…”.
Nguyễn Việt Hưng