Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 03:20 GMT+7

Đồng thuận và khả thi

Biên phòng - Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã được Quốc hội thông qua sau nhiều tranh luận, thêm vào - bỏ ra các điều khoản, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu, bia được dư luận quan tâm nhất.

vnapotalkyhopthubayquochoikhoaxivquochoithongqua6luatva2nghiquyetquantrong3923874-15604836829271147886739
Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã được Quốc hội thông qua. Ảnh: VTV

Để có được quyết định mạnh tay trên, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, 77,27% đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua riêng quy định "nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Kết quả biểu quyết khiến nhiều người vừa vui vừa bất ngờ, bởi chỉ cách đó 11 ngày, khi được đưa ra lấy ý kiến điều khoản này chỉ có 44,21% đại biểu đồng ý và 43,8% ý kiến không đồng ý. Qua thảo luận, còn nhiều ý kiến đề nghị vẫn giữ quy định như cũ chỉ cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Chính vì vậy, việc thông qua được quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe cho thấy, ý kiến của dư luận xã hội, của những tiếng nói chân chính đã có tác động mạnh mẽ vào nghị trường. Cử tri vui mừng khi thấy Quốc hội đã rất dân chủ, biết lắng nghe ý kiến nhân dân. Đồng thời khẳng định, Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống.

Như vậy, kể từ khi luật này có hiệu lực vào ngày 1-1-2020, người đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn việc thực hiện và tính khả thi. Bao giờ người dân sẽ thực hiện nghiêm túc không lái xe sau khi có hơi men? 

Bởi, thực tế người tham gia giao thông đang “nhờn” luật và việc xử phạt nghiêm vấn đề này chưa khả thi trước mắt, khi tình trạng tiệc tùng có bia, rượu vẫn diễn ra khắp nơi như hiện nay. Lạm dụng rượu, bia gây hại cho sức khỏe, tiêu tốn tiền của của gia đình và xã hội là điều không cần bàn thêm. Nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn tìm đến, không vượt qua sự cám dỗ của nó.

Tất nhiên, sau thời điểm luật có hiệu lực thi hành, nhiều người sẽ dè dặt hơn với việc uống rượu, bia vì... sợ bị phạt. Nhưng còn bao lâu nữa, người dân sẽ giảm lạm dụng rượu, bia từ trong nhận thức? 

Còn nhớ, hơn 10 năm trước, quy định áp dụng đội mũ bảo hiểm bắt buộc cũng gặp nhiều trở ngại khi người dân chưa thể thông hiểu và chấp hành nghiêm ngay được. Nhưng qua kiên trì tuyên truyền, giáo dục, kiểm soát, người dân đã nhận ra lợi ích của mũ bảo hiểm giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng người tham gia giao thông. Đến thời điểm này, đội mũ bảo hiểm trở thành thói quen, phản xạ có điều kiện của hầu hết người dân, nhất là giới trẻ.

Việc thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông về rượu, bia xem ra cũng không thể nhanh chóng, dễ dàng. Nhưng dư luận cho rằng, đạo luật trên mang ý nghĩa xã hội, tính nhân văn cao sẽ dần thay đổi nhận thức của mỗi người về tác hại của rượu bia và ý thức bảo vệ cộng đồng, về sự an toàn là trên hết mỗi khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 

Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, điều kiện tiên quyết để đạo luật trên đi vào cuộc sống rất cần có nhận thức xã hội đúng đắn, phát huy được sự tham gia tích cực từ mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là quyết tâm bền bỉ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. 

Có thể rất lâu nữa mới thay đổi từ nhận thức mỗi người. Nhưng chúng ta tin tưởng Luật Phòng chống tác hại rượu, bia ra đời chính là bước ngoặt để đi đến những thay đổi theo hướng chừng mực hơn, văn minh hơn khi uống rượu bia, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO