Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 03:23 GMT+7

Đồng thuận để chiến thắng

Biên phòng - Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định, để khống chế, đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19. Trong những ngày tới là khoảng thời gian để những trường hợp đang ủ bệnh sẽ phát bệnh. Trong giai đoạn này, chúng ta cần làm gì?

2brjsq48vx-26501_f_k89mujtc2_nh_3
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tích cực phát tờ rơi tuyên truyền cho nhân dân về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Tại Việt Nam, dù chưa công bố tình trạng khẩn cấp, thực hiện phong tỏa một thành phố, hay áp dụng lệnh giới nghiêm như nhiều quốc gia đã ban hành, nhưng các biện pháp cương quyết đã được áp dụng trên cả nước, nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - 2 thành phố có số ca bệnh Covid-19 nhiều nhất và có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.

Một trong những biện pháp quan trọng trong lúc này là thực hiện cách ly toàn xã hội, để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu 50% người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, từ 1 người nhiễm sau 30 ngày chỉ phát triển lên 15 người nhiễm; nếu 75% người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, sau 30 ngày chỉ có 3 người nhiễm từ 1 người ban đầu.

Với cách tiếp cận và hành động sớm, cụ thể, quyết liệt, đồng bộ, có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn 1 và 2 vừa qua, Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch Covid-19. 

Thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca nhiễm Covid-19 từ 100 lên 1.000 là 9 ngày. Theo logic đó, ngày 22-3, Việt Nam đã ghi nhận 100 ca nhiễm mới (không tính 16 ca trong giai đoạn 1) thì hết ngày 31-3 sẽ có 1.000 ca nhiễm. Nhưng đến 13 giờ ngày 31-3, cả nước mới chỉ ghi nhận 204 ca, trong đó có 55 ca đã bình phục, chưa có ca tử vong. Điều đó chứng minh các giải pháp, hành động của Việt Nam đến thời điểm này rất hiệu quả.

Do vậy, người dân đồng thuận cao với chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4 trên phạm vi toàn quốc. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp...

Chính quyền tại nhiều tỉnh, thành phố đã tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết, trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc chữa bệnh, thực phẩm..., để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Khi buộc phải ra ngoài, người dân phải có các biện pháp phòng hộ cá nhân: Đeo khẩu trang, rửa tay sạch và giữ khoảng cách an toàn. 

Tuy nhiên, vẫn còn quán karaoke sáng đèn đón khách, quán game thu hút nhiều thanh, thiếu niên tụ tập; có đám cưới vẫn tổ chức linh đình, nhà hàng, quán ăn, quán trà vỉa hè vẫn nhộn nhịp khách... Đây là những biểu hiện lơ là phòng, chống dịch rất đáng bị phê phán, cần bị xử lý nghiêm.

Chuyên gia y tế cảnh báo, mỗi người cũng có thể đang tình cờ mang mầm bệnh mà mình chưa biết. Do đó, chỉ có sự tham gia của tất cả người dân với ý thức bảo vệ cho mình, cho gia đình, cộng đồng, ý thức trách nhiệm với đất nước mới chiến thắng được dịch bệnh. Nếu không thực hiện nghiêm “giãn cách xã hội” thì nguy cơ lây lan dịch Covid-19 rất nhanh.

Chưa bao giờ, kể từ sau những cuộc chiến tranh, đất nước lại được đặt vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Bởi theo Thủ tướng Chính phủ, đây được xem là “thời điểm vàng” trong phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân càng phải tập trung cao độ hơn tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng và cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.

Việt Nam đang ở thời điểm quyết định, với những hành động quyết định để khống chế và đẩy lùi dịch Covid-19. Tất cả đang diễn ra và chắc chắn sẽ còn những khó khăn, phức tạp, nhưng với sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân chúng ta đã và đang có niềm tin chiến thắng vững chắc.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO