Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Động thái mới của Mỹ tại chính trường Afghanistan

Biên phòng - Việc Mỹ đưa ra tối hậu thư cắt giảm các khoản viện trợ trong thời gian tới đối với Afghanistan được giới chuyên gia quốc tế nhận định là động thái cứng rắn để “nắn” lại định hướng tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn dắt tại quốc gia Nam Á này. Hơn hết, giới cầm quyền nước này sẽ buộc phải gạt bỏ bất đồng vì lợi ích chung của quốc gia.

aglt_11a
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại buổi làm việc ở Kabul, ngày 23-3. Ảnh: Reuters

Tại chuyến thăm bất ngờ Afghanistan vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố cắt giảm 1 tỷ USD viện trợ trong năm 2020 và có thể sẽ tiếp tục cắt giảm vào năm 2021 đối với Afghanistan, nếu chính quyền được quốc tế công nhận của quốc gia này không tự giải quyết được bất đồng chính trị nội bộ.

Giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, đàm phán giữa các bên trong giới cầm quyền tại Afghanistan đã không đi đến kết quả tích cực về chia sẻ quyền lực, buộc Mỹ phải dùng đến biện pháp cắt giảm viện trợ. Điều này cũng cho thấy Mỹ có phần “mất kiên nhẫn” trước sự leo thang bất đồng chính trị trong nội bộ chính quyền Afghanistan. Hơn hết, động thái cứng rắn này của Mỹ cũng là biện pháp củng cố tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn dắt tại quốc gia Nam Á này.

Nước Mỹ đang đứng vị trí thứ 3 về quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Giữa lúc Mỹ phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, “căng mình” chống chọi với đại dịch, thì việc Ngoại trưởng Pompeo tiến hành chuyến thăm bất ngờ Afghanistan phần nào cho thấy mức độ lo ngại rất lớn của Mỹ trước diễn biến “lục đục” nội bộ của nước này. Bởi lẽ, sự bất đồng trong chính trường Afghanistan đã và đang khiến nỗ lực thực hiện tiến trình hòa bình với lực lượng Taliban gặp ảnh hưởng tương đối nặng nề, thậm chí là bị “tê liệt”. 

Từ đầu năm đến nay, tiến trình hòa bình với Taliban đang có sự khởi sắc. Một trong những dấu mốc quan trọng là thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Taliban được ký kết tại Doha, Qatar, hôm 28-2. Thỏa thuận này đã tạo nên nhiều tín hiệu triển vọng, điển hình như việc Mỹ và NATO triển khai rút quân khỏi Afghanistan; trao đổi tù nhân giữa các bên liên quan; các vụ tấn công của Taliban đã giảm dù vẫn còn... Chính vì vậy, bất đồng chính trị trong nội bộ chính quyền Afghanistan đang là mối nguy hại hàng đầu và có thể khiến nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Mỹ với Taliban trở về “con số 0”.

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Afghanistan đối kháng lẫn nhau. Năm 2014, sau cuộc bầu cử Tổng thống, ông Ashraf Ghani, cựu Bộ trưởng Tài chính Afghanistan đắc cử nhưng gặp phải sự phản đối của ông Abdullah Abdullah, lãnh đạo Đảng Liên minh quốc gia Afghanistan, dẫn tới việc phân cực gay gắt trong giới chính trị nước này và ông Abdullah Abdullah đã tự xưng là Tổng thống. Thời điểm đó, Mỹ đã hòa giải thành công và ông Abdullah trở thành “nhà điều hành cấp cao” của chính phủ - chức danh đặc biệt được lập ra để hài hòa lợi ích quyền lực. 

Nhưng từ đó đến nay, lợi ích quyền lực vẫn chưa làm hài lòng các bên. Ngày 8-3 vừa qua, Taliban đã cảnh báo rằng, việc cả hai ông Ghani và Abdullah cùng tuyên bố thành lập Chính phủ vào ngày 9-2 là minh chứng cho thấy chính quyền Afghanistan không có tiếng nói chung để thực sự sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Taliban.

Các chuyên gia chính trị quốc tế cũng chỉ ra rằng, dù đưa ra tối hậu thư cắt giảm viện trợ, nhưng chưa có thông tin nào cho thấy Mỹ ấn định thời hạn cụ thể cho chính quyền Afghanistan. Điều đó cho thấy, bên cạnh sự thất vọng với những gì đang diễn ra, Mỹ vẫn còn kỳ vọng vào hiệu quả trong việc chia sẻ quyền lực hài hòa của nội bộ giới cầm quyền Afghanistan. 

Bổ sung cho luận điểm này, giới chuyên gia cũng nhìn nhận, Afghanistan nghèo đói bởi chiến tranh đeo đẳng gần 20 năm cùng sự kìm kẹp của hàng loạt lệnh phong tỏa kinh tế. Nguồn tiền chính của quốc gia này hầu như chỉ trông cậy vào viện trợ từ Mỹ với hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Vì vậy, “chiêu thức” cắt giảm viện trợ của Mỹ tuy không mới nhưng vẫn là “đòn hiểm hóc” buộc giới cầm quyền nước này phải đoàn kết lại với nhau vì mục tiêu chung của quốc gia.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO