Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 03:32 GMT+7

Động thái “giảm nhiệt” căng thẳng giữa Iran và Mỹ

Biên phòng - Iran mới đây đã công bố dự thảo ngân sách khoảng 39 tỷ USD nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời công bố sẽ giới thiệu 50 thành tựu hạt nhân. Tuy nhiên, Iran cũng đang có nhiều động thái “hòa giải” khi tiến hành trao đổi tù binh hiếm hoi với Mỹ.

k3r6_11a
Đại sứ Mỹ tại Thụy Sĩ chào đón công dân Mỹ được Iran trao trả tự do vào ngày 7-12, tại Thụy Sĩ. Đây là lần hợp tác hiếm hoi giữa Mỹ và Iran, báo hiệu cho triển vọng đạt được những thỏa thuận “giảm nhiệt” căng thẳng. Ảnh: Reuters

Ngày 8-12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã trình dự thảo ngân sách Nhà nước khoảng 39 tỷ USD cho Quốc hội và khẳng định rằng, đây là giải pháp đối phó với lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách hạn chế sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu.

Iran không đưa ra số liệu về giá dầu và khối lượng xuất khẩu được sử dụng trong các tính toán, mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, Iran sẽ cần giá dầu tăng gấp 3 lần mức hiện tại để cân bằng ngân sách khi xuất khẩu dầu thô đã giảm. Trước đó, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt với mục đích giảm doanh số bán dầu thô của Iran, vốn là nguồn thu chính của nước Cộng hòa Hồi giáo. 

Cùng ngày, nhà chức trách Iran đã tuyên bố sẽ “trình làng” 50 thành tựu hạt nhân gồm các thế hệ máy ly tâm mới, lò phản ứng nước nặng và nhà máy điện... Giới chuyên gia dự đoán, những thành tựu mới của Iran sẽ mang tính đột phá cao và là minh chứng cho thấy nỗ lực nghiên cứu phát triển hạt nhân của Iran là rất mạnh mẽ.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, số phận của Thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn đang rất mong manh. Trong khi nhóm các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức (P5+1) vẫn đang nỗ lực duy trì bản thỏa thuận này, thì Iran vẫn bất tuân các cam kết và liên tục gia tăng những hành động tiêu cực đẩy thỏa thuận này đến bờ vực sụp đổ. Ngay cả trong cuộc họp tại Áo ngày 6-12 vừa qua, Iran vẫn cương quyết với thái độ cứng rắn của mình và cáo buộc các nhóm nước P5+1 không bảo vệ được Iran trước sức ép từ Mỹ. 

Điểm nhấn trong những cuộc đàm phán không đạt hiệu quả vừa qua là việc nhóm P5+1 vẫn không kích hoạt cơ chế trừng phạt Iran theo thỏa thuận. Đây được xem là hành động kiềm chế để tình hình không trở nên phức tạp, có thể dẫn tới việc Iran bị áp đặt thêm lệnh trừng phạt và kích động Iran rút khỏi thỏa thuận và Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Trong một diễn biến khác, ngày 7-12, Mỹ và Iran bất ngờ trao đổi tù nhân tại nước trung gian là Thụy Sĩ. Iran đã trao trả 1 tù binh là công dân Mỹ bị giam giữ 3 năm với cáo buộc là gián điệp. Mỹ cũng trao trả 1 công dân Iran bị bắt năm 2018. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn Iran vì những gì ông gọi là một cuộc đàm phán rất công bằng để dẫn đến cuộc trao đổi này. 

Bên cạnh đó, Nhật Bản tuyên bố sẽ làm trung gian hòa giải để xoa dịu cuộc “giằng co” giữa Mỹ và Iran. Nhật Bản từ lâu đã có mối bang giao thân thiết với Iran, trong khi căng thẳng Mỹ - Iran “giảm nhiệt” cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhất là nâng tầm vị thế quốc tế cho Nhật Bản. Iran và Nhật Bản đang chuẩn bị cho chuyến thăm xứ sở mặt trời mọc của Tổng thống Iran Hassan Rouhani dự kiến vào ngày 20-12 tới. 

Phía Mỹ đã đồng tình ủng hộ kế hoạch của Nhật Bản. Chuyến thăm này được đánh giá là có tín hiệu rất tích cực, có thể mở ra tương lai tươi sáng hơn trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc của Iran về thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cũng như tìm kiếm những cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO