Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:05 GMT+7

Dòng nước đoàn kết quân dân trong vùng đồng bào Pa Cô, Vân Kiều

Biên phòng - Với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn, Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị đã kết nối với các doanh nghiệp để khởi công và đưa vào sử dụng 6 công trình nước sạch ở xã Xy (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Nhờ có các công trình này, không chỉ đồng bào Pa Cô, Vân Kiều được sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh môi trường, mà còn góp phần xây dựng các bản làng biên giới hướng tới mục tiêu nông thôn bền vững.

Cán bộ Biên phòng kiểm tra nước giếng khoan ở thôn Ra Man. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Tìm nước cho đồng bào

Xã Xy là xã khó khăn nhất của huyện Hướng Hóa, nằm sát biên giới Việt Nam - Lào. Cả xã có 3 thôn: Troan La Reo, La Ro và Ra Man với gần 4.000 nhân khẩu là đồng bào Pa Cô, Vân Kiều. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn một nửa. Đời sống văn hóa, sinh hoạt của bà con vẫn còn nhiều lạc hậu, khó khăn đặc biệt là việc phát triển kinh tế. Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương các cấp và Đồn Biên phòng Thanh, tình hình đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của người dân trên địa bàn đã có nhiều tiến triển. Ngoài trồng lúa, người dân đã trồng thêm sắn, chuối để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Thực tế từ lâu, nhu cầu về nước sạch sinh hoạt là vấn đề thiết yếu, đặc biệt cấp thiết đối với người dân ở xã Xy. Mặc dù trước đó đã có những dự án nhưng chỉ là công trình nước tự chảy, công nghệ xử lý đơn giản và hầu hết đã hư hỏng qua thời gian, bởi vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ở xã Xy, thời gian thiếu nước sinh hoạt kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ xuống bờ sông Sê Pôn hoặc đến các khe chảy từ trên núi dùng can múc mang về nhà rồi đợi lắng cặn thì gạn nước trong để dùng. Việc sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh khiến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ con thường mắc các bệnh về tiêu hóa và mắt.

Trung tá Ma Phương Trình, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh chia sẻ: “Nhận thấy được ý nghĩa, sự cấp thiết và tầm quan trọng của nước sạch cho bà con, tháng 5-2021, Đồn Biên phòng Thanh, Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Trị đã chủ động kêu gọi các nhà hảo tâm và doanh nghiệp cùng chung tay tìm cách tháo gỡ khó khăn cho bà con ở xã Xy. Sau khi đến khảo sát thực tế, lãnh đạo Ngân hàng Quân đội, Chi nhánh Quảng Trị đã đồng ý tài trợ 385 triệu đồng để đầu tư xây dựng 6 công trình nước sạch với các hạng mục khoan giếng, xây sân, mua bể chứa nước... Đồn Biên phòng Thanh nhận trách nhiệm giám sát thi công, hướng dẫn người dân sử dụng và quản lý bảo dưỡng để nâng cao tuổi thọ của công trình”.

Dòng nước của niềm vui

Khi Đồn Biên phòng Thanh triển khai xây dựng chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới xã Xy, đơn vị khoan giếng nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ trên chốt. Nguồn nước giếng khoan vượt nhu cầu sử dụng của bộ đội, nhưng vì ở xa khu dân cư nên chỉ những người dân có nhà gần chốt mới cùng được thụ hưởng. Bởi vậy, khi khảo sát chọn vị trí khoan giếng cho bà con trong thôn, mọi người đều nhất trí việc các giếng nước phải ở vị trí đông dân cư để thuận lợi nhất cho việc lấy nước của bà con chứ không chọn “vùng dễ tìm nước nhất”. Các thôn Troan La Reo, La Ro và Ra Man đều nằm trên vị trí cao, vậy nên các thợ khoan phải kiên trì khoan sâu từ 50-60m để tìm cho được nguồn nước.

Các giếng khoan ở xã Xy được lắp đặt téc nước inox để đảm bảo vệ sinh cho bà con. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Những ngày thi công là những ngày vui nhất của người dân thôn Troan La Reo, La Ro và Ra Man. Mọi người lo lắng khi thấy mũi khoan đã sâu cả mấy chục mét vẫn chưa có nước, rồi tất cả như vỡ òa khi dòng nước đầu tiên trào lên khỏi ống khoan. Thanh niên, đàn ông nhiệt tình tham gia vận chuyển giúp xi măng, gạch đá để thợ xây cho kịp tiến độ. Sân giếng được láng xi măng, ốp gạch để bà con có chỗ rộng rãi lấy nước cũng như giặt giũ. Đồn Biên phòng Thanh cũng dựng giàn cao để lắp đặt các téc nước inox. Giếng được thi công vào tháng 6 cũng là quãng thời gian thiếu nước nên mọi người lại càng thấy thêm được giá trị của giếng.

Ngày đóng nước, những đứa trẻ Vân Kiều, Pa Cô tóc cháy vì nắng, thích thú tắm dưới dòng nước mát. Từ nay, lũ trẻ sẽ không còn sợ bị người lớn quát mắng, bắt về như lúc tắm ao hay trên sông. Ông Hồ Văn Linh, Trưởng thôn Ra Man cho biết: “Trước đây, vào mùa khô, trẻ con thường rủ nhau ra sông Sê Pôn hoặc tắm ao, nguy hiểm lắm. Từ ngày có giếng, có bể nước, trẻ con có thể vào đây tắm. Người lớn vừa giặt quần áo, vừa trông được, không sợ bọn nhỏ bị đuối nước. Rồi có giếng ngay trong bản, người dân không còn phải đi xa gánh nước, tiết kiệm được nhiều thời gian”.

Còn già làng Hồ Ta Ước (thôn Troan La Reo) thì chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên người dân có nước giếng khoan, nước sạch thế này. Ngày mưa không sợ nước đục, ngày nắng không sợ thiếu nước. Bà con cảm ơn các anh Biên phòng và các mạnh thường quân nhiều lắm. Nhờ có mọi người mà bà con có nguồn nước sạch để dùng. Già vẫn bảo con cháu mình rằng, biết ơn thì phải giữ gìn khi sử dụng”.

Buổi chiều là quãng thời gian vui nhất ở các thôn Troan La Reo, La Ro và Ra Man khi mọi người tập trung ra giếng nước. Những người phụ nữ vừa giặt giũ, vừa trò chuyện nhưng vẫn không quên nhắc nhở con tắm cho sạch. Sau khi đổ nước vào đầy can, các chị thong thả theo những lối mòn gánh về nhà. Cuộc sống nơi phên dậu Tổ quốc này thật giản dị và bình yên.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO