Biên phòng - Cách đây hơn 1 năm, ngày 23-5-2018, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây được coi là một chủ trương đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu an sinh xã hội vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Xây dựng hệ thống BHXH “đa tầng”
Thực tế cho thấy, hệ thống chính sách BHXH ở Việt Nam được ra đời ngay từ những năm đầu mới thành lập nước, đến năm 1961 thì có Điều lệ tạm thời đầu tiên. Đến nay, chính sách BHXH nhìn chung vẫn mang tính đơn lẻ và thiếu tính kết nối. Thống kê của ngành BHXH Việt Nam cho thấy, hiện nay, cả nước có trên 5 triệu người cao tuổi (trên 60 tuổi và dưới 80 tuổi không thuộc hộ nghèo; không bị khuyết tật) không được hưởng trợ cấp hằng tháng dẫn đến tuổi già gặp rất nhiều khó khăn, gây sức ép rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội.
Chính vì vậy, Nghị quyết số 28-NQ/TW ra đời được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập hiện nay. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nghị quyết 28-NQ/TW đã thể hiện sự “đa tầng” trong thực hiện chính sách BHXH. Hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện và tiến tới mọi người cao tuổi đều được hưởng lương hưu.
Cụ thể, tầng thứ nhất là trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng; có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; có lộ trình mở rộng bao phủ bằng cách điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng lương hưu phù hợp với khả năng của ngân sách và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong từng thời kỳ.
Tầng thứ hai là BHXH cơ bản, bao gồm: BHXH bắt buộc dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động; BHXH tự nguyện dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động, có sự hỗ trợ thích đáng từ ngân sách Nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; từng bước hình thành văn hóa đóng - hưởng để tự bảo đảm an sinh cho bản thân.
Tầng thứ ba là Bảo hiểm hưu trí bổ sung - chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng,
Đưa nghị quyết và cuộc sống
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, để đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, đòi hỏi phải có sự quyết liệt, đồng bộ và nỗ lực cả hệ thống chính trị. Trong đó, BHXH các cấp tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH gắn với đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông chính sách đến mọi người lao động một cách đồng bộ, khoa học và bài bản hơn.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà BHXH Việt Nam đang tiến hành đó là mở rộng mạng lưới đại lý thu, phân bổ rộng rãi ở cơ sở để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện các thủ tục phục vụ người dân đăng ký và đóng BHXH. Bên cạnh việc sử dụng các cộng tác viên, các đại lý truyền thống, BHXH đang phát triển rộng rãi các tổ chức thực hiện dịch vụ công như Bưu điện Việt Nam để làm mạng lưới thu BHXH tự nguyện và các dịch vụ khác…
Được biết, Nghị quyết 28-NQ/TW đã xác định các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2021, phấn đấu khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.
Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%.
Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.
Theo BHXH Việt Nam, việc sơ kết phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất vào năm 2021, giai đoạn thứ hai vào năm 2025 và tổ chức tổng kết phong trào thi đua vào năm 2030.
Trang Nhung