Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 02:20 GMT+7

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”:

Động lực thúc đẩy phát triển nông sản Việt (bài 2)

Biên phòng - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai mạnh mẽ trên cả nước là động lực thúc đẩy phát triển các sản phẩm của nhiều vùng, miền khác, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn. Các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị, chế biến sâu. Nông sản Việt nhờ đó đã được nâng tầm, vươn tới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính.

Bài 1: Nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương

Bài 2: Nghiên cứu thị trường, tránh làm theo phong trào

Thực tế triển khai Chương trình OCOP ở một số địa phương cho thấy, đã xuất hiện tư tưởng nóng vội và tư duy coi Chương trình OCOP là một “phong trào”, vì vậy, đã không thực hiện đúng theo chu trình OCOP đã được quy định. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ “chết yểu” đối với không ít sản phẩm khi xây dựng được thương hiệu, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

60lm_13a
Sản phẩm chè San Tuyết cổ thụ của Tùng Vài (huyện Quản Bạ, Hà Giang) đã được cấp mã truy suất nguồn gốc. Ảnh: Bích Nguyên

Loay hoay xây dựng thương hiệu

Ông Đàm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Cách Linh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng cho biết, thực hiện Chương trình OCOP, trên cơ sở thực tế, địa phương này đang đăng ký 2 sản phẩm là vịt quay và phở chua. Đây là 2 sản phẩm đặc trưng của xã Cách Linh được người tiêu dùng trong vùng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này theo tiêu chí của Chương trình OCOP để được đánh giá, phân hạng lại không hề đơn giản khiến cho xã Cách Linh vẫn còn lúng túng. Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm tới các thị trường khác ngoài vùng gặp nhiều khó khăn do vịt quay và phở chua đều là sản phẩm tươi, không thể để lâu ngày và đòi hỏi công nghệ chế biến, đặc biệt là bảo quản cao.

Không chỉ Cách Linh, một số địa phương khác cũng còn chậm và lúng túng trong triển khai Chương trình OCOP do vấp phải những vấn đề mới. Ngay cả thành phố lớn như Hà Nội cũng gặp khó khăn trong phát triển thị trường. Đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng cho 301 sản phẩm, từ 3 sao tới 5 sao. Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 7.215 sản phẩm địa phương. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hiện, địa phương này có trên 5.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QRCOS. Đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP ở Hà Nội còn gặp một số khó khăn, hạn chế, đó là nhiều nông sản được sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ; một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô sơ, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm thấp, sức cạnh tranh chưa cao.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn, Tư vấn trưởng Chương trình OCOP Quốc gia, OCOP là một chương trình mới nên tính bắt nhập còn mức độ, dẫn đến tiến độ triển khai Chương trình OCOP chậm so với kế hoạch (100% các tỉnh phải phê duyệt triển khai đến hết năm 2018). Thực tế, đến nay, mới có 18/61 tỉnh phê duyệt triển khai Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP khi triển khai trên diện rộng, nảy sinh nhiều vấn đề mới, đặc biệt, việc triển khai, tuân thủ chu trình OCOP còn lúng túng, chưa chặt chẽ.

Hạn chế của việc triển khai Chương trình OCOP theo đánh giá của chính các địa phương là khả năng tiếp cận công nghệ và cải tiến, áp dụng công nghệ còn yếu (quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính; công nghệ sản xuất, chế biến, xúc tiến bán hàng, marketing...). Các chủ thể sản phẩm OCOP thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Một số sản phẩm chủ lực của các địa phương đang còn khó khăn trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị và kéo dài thời gian tiêu thụ, nhưng chưa có giải pháp. Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại còn lúng túng. 

Cần chú trọng xúc tiến thương mại

Về việc phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP, với tư cách là kênh bán hàng, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Phát triển kinh doanh tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, tính đến nay, Big C đang bày bán 40 sản phẩm có logo OCOP và đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa thêm 50 sản phẩm OCOP nữa vào bày bán trên hệ thống Big C và GO! 

fwxy_13b
Nhờ Chương trình OCOP, các địa phương đã phát triển được nhiều sản phẩm mới, có giá trị cao. Trong ảnh là các sản phẩm từ than tre hoạt tính của Hợp tác xã tre luồng Bá Thước (Thanh Hóa). Ảnh: Bích Nguyên

Bà Linh cho rằng, tín hiệu đáng mừng nhất là sản phẩm nông sản Việt bắt đầu có xu hướng lấn át các sản phẩm nhập ngoại. “Ví dụ, cụ thể là vào đầu năm 2019, Big C thực hiện Chương trình "Tuần hàng dâu tây và nông sản an toàn tỉnh Sơn La" đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ lớn từ khách hàng thủ đô. Đặt lên bàn cân so sánh với sản phẩm dâu tây Hàn Quốc, dâu tây Sơn La có lợi thế về giá, độ tươi ngon và đặc biệt là chất lượng không thua kém so với sản phẩm ngoại nhập. Hay sản phẩm nấm Long Hải của Đông Triều, Quảng Ninh cũng vậy. Trước kia, kênh bán lẻ hiện đại phần lớn bày bán sản phẩm nấm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản... Qua các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, chúng tôi đã tìm hiểu, duyệt hồ sơ, kiểm tra cơ sở sản xuất và đưa vào kệ hàng sản phẩm nấm kim châm của Long Hải và doanh số hiện nay đã khá ổn định, tháng 12-2019, chúng tôi đã bán ra gần 40.000 gói sản phẩm này” – Bà  Linh cho biết.

Cũng theo bà Linh, điểm trừ của nông sản Việt vẫn là bao bì đóng gói, trình bày sản phẩm và bảo quản vẫn chưa thể làm tốt như sản phẩm ngoại nhập. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ mới lấy chứng nhận OCOP nhưng chưa thực sự quan tâm vào siêu thị để sản phẩm vùng miền được tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng hơn. Bà Linh khuyến cáo các địa phương, để đáp ứng yêu cầu thị trường, sản phẩm OCOP phải có tem nguồn gốc rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có chỉ dẫn địa lý, chứng nhận quy chuẩn như VietGap hay GlobalGap... 

Để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dự án tăng cường tiếp cận thị trường cho nông dân thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Đồng thời, xây dựng mô hình thí điểm “Kênh hỗ trợ thương mại điện tử các sản phẩm OCOP”.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho hay, trong thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia cần được đặc biệt chú trọng. Mặt khác, cũng cần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên môn hóa vào các ngành có lợi thế của từng địa phương và từng ngành để xây dựng chiến lược phát triển. Nghiên cứu các thông tin về thị trường, khả năng cạnh tranh, tránh tình trạng làm theo phong trào, tràn lan. Chính quyền địa phương nơi có sản phẩm OCOP nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc gìn giữ và phát triển các sản phẩm mang tính truyền thống. 

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO