Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Động lực nào cho Iran trước những ngã rẽ?

Biên phòng - Đánh giá từ giới phân tích chính trị Trung Đông cho rằng, những ngày này, Iran đang đứng trước nhiều ngã rẽ bởi những vấn đề phức tạp ở cả trong nước và ngoài nước.

Quang cảnh các phái đoàn của Iran và các cường quốc đàm phán khôi phục JCPOA tại Áo trong tháng 6. Ảnh: REUTERS

Điểm lại vài nét chính trong vấn đề hạt nhân của Iran, tháng 7-2015, Kế hoạch hành động toàn diện chung năm 2015 (JCPOA), hay còn gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran đạt được giữa Iran và 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng Liên minh châu Âu (EU), thường được biết đến với tên gọi Iran và P5+1. Năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA và các bên còn lại đều “gồng mình” ứng phó với những diễn biến leo thang căng thẳng. Đặc biệt, mối quan hệ Mỹ - Iran từ đó ngày càng xấu đi trầm trọng với các lệnh trừng phạt Iran khắc nghiệt.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nắm quyền điều hành đất nước từ đầu năm 2021 đến nay, JCPOA đã được thổi một luồng “sinh khí” mới sau khoảng thời gian dài bế tắc dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. JCPOA cũng trở thành vấn đề đáng chú ý, bởi được hứa hẹn là một giải pháp căn cơ để chính quyền ông Biden cải thiện tầm ảnh hưởng quốc tế của Mỹ. Việc Mỹ quay trở lại JCPOA và việc cải thiện hiệu lực cũng như sự thực chất của thỏa thuận này là những nội dung căng thẳng trên bàn đàm phán thời gian gần đây.

Trong thời điểm có nhiều dấu hỏi về việc có đạt được thỏa thuận mới liên quan tới JCPOA hay không, chính trị Iran có “bước chuyển” lớn với cuộc bầu cử tháng 6 chọn ra người đứng đầu chính phủ mới của quốc gia Hồi giáo này - Tổng thống đắc cử Ebrahim Raeisi. Giới quan sát chính trị Trung Đông nhìn nhận, ông Raeisi đang có trong tay cơ hội vực dậy nền kinh tế, cải thiện quan hệ ngoại giao, tăng cường khả năng tiếp cận địa chính trị ở Trung Đông, thậm chí là đưa Iran “vươn mình” ra tầm thế giới.

Tuy nhiên, trong bức tranh viễn cảnh đầy tươi sáng đó, bối cảnh thực tế hiện hữu thì khô khan hơn khi nước này đang đứng trước những ngã rẽ quan trọng. Trên hết, hiện phải ưu tiên việc ổn định đất nước trong thời điểm nhạy cảm sau khi có một chính quyền mới. Dư luận khu vực cũng đưa ra nhiều niềm tin rằng, ông Raeisi có tiềm năng kế nhiệm lãnh tụ tối cao của nước này trong thời gian tới.

Giới phân tích chính trị Iran cho rằng, bên cạnh việc phát huy mạnh mẽ hơn các nguồn lực sẵn có của đất nước, các chính sách gây dựng ảnh hưởng trong khu vực lâu nay, ông Raeisi - người được đánh giá có phong cách lãnh đạo “cứng rắn” có thể sẽ dẫn dắt đất nước với những điểm mới là ưu tiên công cuộc chuyển đổi kinh tế. Iran sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, chính phủ của ông Raeisi sẽ tận dụng những lợi ích kinh tế từ một thỏa thuận hạt nhân mới và những chính sách mở cửa quốc tế mà thỏa thuận này mang lại. Những lợi ích này sẽ giúp cải thiện sinh kế của người dân đang phải chịu nhiều áp lực sau hàng thập kỷ khốn khó vì bị trừng phạt và cô lập.

Để đảm bảo cải cách kinh tế, chính phủ của ông Raeisi cũng phải thực hiện nhiệm vụ kép là cải cách chính trị nhằm củng cố trật tự nội tại. Iran cũng sẽ từng bước thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng dành nguồn lực cho thương mại, hợp tác lành mạnh hơn với các nước láng giềng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi - giữ vững lập trường lâu nay của Iran.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, với chính quyền mới có trong tay cơ hội mới, vận mệnh của Iran sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đàm phán liên quan tới JCPOA. Bởi, mọi sự thay đổi theo hướng tích cực của Iran đều được khởi nguồn từ những lợi ích màthỏa thuận với các cường quốc liên quan tới JCPOA mang lại.

Giảm leo thang căng thẳng để vấn đề Iran không còn là một vấn đề nổi cộm trên trường quốc tế sẽ là “bàn đạp” hướng đến sự phát triển tích cực, điều cần thiết cho Iran, khu vực Trung Đông và cả các cường quốc ở thế đối lập. Chính vì vậy, dù diễn biến đàm phán về JCPOA thời gian gần đây liên tục chứng kiến những động thái leo thang căng thẳng. Song, ở góc nhìn tổng thể, các nhà phân tích cùng cho rằng, có nhiều niềm tin từ bàn đàm phán JCPOA và chắc chắn các bên sẽ kiên trì cùng hướng tới những lợi ích lớn.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO