Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 09:47 GMT+7

Động lực để văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số phát triển

Biên phòng - Với mục tiêu giới thiệu, quảng bá chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam với thế giới, đồng thời, phản bác âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các DTTS Việt Nam” (gọi tắt là Đề án) của Thủ tướng Chính phủ đã tạo một tiền đề căn bản giúp cho hoạt động sáng văn học nghệ thuật vùng DTTS bước sang một trang mới với nhiều dấu ấn.

Nghệ thuật Dù kê của người Khmer cần có những giải pháp gìn giữ, bảo tồn đúng với thực tế. Ảnh: Hồng Minh

Động lực cho các tác phẩm mới ra đời

Năm 2016, Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các DTTS Việt Nam” giai đoạn I (2015 - 2020). Việc triển khai Đề án đã tạo động lực lớn để các tác giả sáng tác ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật mang hơi thở vùng DTTS.

Theo đó, Đề án đã tổ chức biên tập, biên soạn và phát hành khoảng 1.500 công trình, tác phẩm được chọn lọc từ kho tài liệu hơn 2.500 tác phẩm, công trình đã được nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác; xuất bản 1.500 sách điện tử được chuyển từ 1.500 tác phẩm.

Ngoài ra, Đề án còn xây dựng bộ sách gồm 54 sách 3D của 54 dân tộc, giới thiệu về những đặc trưng của từng dân tộc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú, phân bố dân cư, hoạt động nghề nghiệp... Tất cả sản phẩm của Đề án gồm: sách điện tử, sách 3D, phim tài liệu, phim chuyên đề... sẽ được số hóa, hệ thống hóa và cung cấp trong thư viện giúp người đọc dễ dàng xem và truy cập dữ liệu một cách tốt nhất, nhanh nhất và khoa học nhất.

Trong hai năm 2018, 2019, Đề án đã xuất bản gần 600 đầu sách với nhiều thể loại: văn, thơ, nghiên cứu sưu tầm... của đa số tác giả là người DTTS. Ngoài ra, còn nhiều sách ảnh, sách nhạc... có nội dung phong phú, phản ánh đời sống của đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Giải thưởng Văn học nghệ thuật các DTTS năm 2020 đã tôn vinh 50 tác phẩm, gồm: 9 giải B, 15 giải C, 25 giải Khuyến khích, một tặng thưởng. Trong 9 giải B, có những tác phẩm văn học nghệ thuật ấn tượng của các tác giả người DTTS, như: tản văn “Chín bậc thang nhà người” của Phạm Tú Anh; ca khúc “Tình núi” của Krajan K’dick và “Nhớ” của Linh Nga Niê Kdam...

Theo đánh giá từ các chuyên gia, các tác phẩm văn học nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung về đề tài DTTS đã góp phần đáng kể trong công tác bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam. Các tác giả là người DTTS có nhiều thuận lợi khi phát huy được vốn ngôn ngữ, văn hóa địa phương.

Bên cạnh tác phẩm văn học, còn xuất hiện nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch tác phẩm của các dân tộc: Mường, Thái, Mông, Tày, Nùng, Ê Ðê, Chăm... Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn học và văn hóa nghệ thuật đang có sức ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, hoạt động khác của xã hội.

Để niềm trăn trở tan biến

Trước những tín hiệu khả quan từ Đề án, nhiều nghệ sĩ trong cả nước hào hứng khi được chung sức quảng bá, phát huy những giá trị sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn về chiến lược của Đề án.

Trong đó, điển hình như thành phố Hồ Chí Minh, địa phương duy nhất có Hội đồng Lý luận phê bình văn học - nghệ thuật, song khi hoạch định kế hoạch khảo sát đời sống văn học - nghệ thuật của các DTTS tại thành phố và khu vực phía Nam dường như vẫn chưa có sự liên kết để lắng nghe ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của các văn nghệ sĩ tiêu biểu, chuyên gia đầu ngành có năng lực chuyên môn và giàu kinh nghiệm của thành phố về phương thức bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học - nghệ thuật các DTTS Việt Nam. Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn đã từng trăn trở nghệ thuật Dù kê của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, ở Sóc Trăng nói riêng cho rằng: “Sân khấu Dù kê đã lưu giữ những giá trị đặc biệt của loại hình nghệ thuật quý, chính vì thế đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghệ thuật sân khấu Dù kê vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thế nhưng, bộ môn này sẽ bị mai một nếu không có giải pháp gìn giữ, phát huy, mà khởi điểm chính là khảo sát cho đúng thực tế, để đội ngũ văn nghệ sĩ được tham gia tích cực".

Trên thực tế, các nghệ nhân, nghệ sĩ của nhiều loại hình: sân khấu, âm nhạc, múa, văn hóa dân gian của DTTS cho rằng, nghề của họ đang đứng trước nhiều thử thách trong thời kỳ mới nên cách tổ chức các đoàn khảo sát cần đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực xây dựng, phát triển nền văn học - nghệ thuật cả nước.

Vì thế, trong giai đoạn mới triển khai Đề án, để những trăn trở của nhiều văn nghệ sĩ tan biến, Đề án cần có những giải pháp để thúc đẩy văn học ở từng vùng miền, địa phương. Cần có thêm những giải pháp mang tính đặc thù áp dụng trong công tác đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng lực lượng sáng tác. Đồng thời, tạo thêm nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các vùng miền, không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm và giải thưởng văn học.

Hồng Minh

Bình luận

ZALO