Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 08:16 GMT+7

Tham gia các hiệp định thương mại tự do:

Động lực cho nông nghiệp Việt Nam phát triển

Biên phòng - Với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (TMTD) thế hệ mới, ngành nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng sẽ gặp không ít thách thức và rủi ro. Nếu không khai thác được lợi thế và tiềm năng, cơ hội của các hiệp định TMTD, nông sản Việt Nam sẽ có thể mất ngay cơ hội trên sân nhà.

xurw_12a
Nhiều mặt hàng thủy sản sẽ được xóa bỏ thuế quan nhưng phải đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định.  Ảnh: Bích Nguyên

Ngày 12-11-2018, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang chuẩn bị ký kết Hiệp định TMTD Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc tham gia các hiệp định TMTD thế hệ mới này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho các lĩnh vực kinh tế trọng tâm của Việt Nam phát triển, trong đó, có lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều cơ hội lớn

Hiệp định CPTPP với 11 nước thành viên là Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Chile, Peru, là một thị trường lớn với 490 triệu dân, GDP chiếm trên 13,5% GDP toàn cầu. Với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỉ USD, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada hứa hẹn sẽ là thị trường tiềm năng tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản.

Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), EVFTA sẽ tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường lớn gồm 28 quốc gia thành viên thuộc châu Âu với hơn 500 triệu dân, chiếm 22% GDP danh nghĩa và khoảng 17% GDP sức mua tương đương của thế giới, là nền kinh tế đứng đầu của thế giới.

Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Khi tham gia các hiệp định TMTD, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Tiếp cận với nguồn cung nguyên liệu đầu vào rất đa dạng cho sản xuất nông nghiệp. Việt Nam cũng có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam và tuân thủ các quy định SPS (biện pháp kiểm dịch động, thực vật) và TBT (các biện pháp kỹ thuật).  Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp.

Đánh giá về những lợi thế và tiềm năng mà các hiệp định TMTD mang lại cho nông sản Việt Nam, bà Phạm Hồng Hạnh, Trưởng phòng Quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: “Độ mở cửa thuế quan chung của các hiệp định TMTD là rất lớn. Trên 78% các dòng thuế được đưa về 0%”. Theo cam kết, nông, lâm, thủy sản khi xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP, với thuế suất phổ biến từ 5-10% hiện nay sẽ được hạ xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Cá tra, cá basa – những mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. 

Gạo là mặt hàng được hưởng lợi khi mà thuế suất được hạ xuống 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực. Gạo cũng sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: Gạo tấm, các sản phẩm từ hạt... Đối với mặt hàng rau, củ, quả; rau, củ, quả chế biến; nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình 3-7 năm. Bên cạnh ưu đãi thuế quan, khi gia nhập các hiệp định TMTD, Việt Nam sẽ có lợi thế cao trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và nội địa.

Phân tích rõ hơn về cơ hội của doanh nghiệp nông nghiệp khi tham gia các hiệp định TMTD, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu nông nghiệp sẽ được ưu đãi thuế quan (đặc biệt ở 27 thị trường EU và Canada, Mexico, Peru); tiếp cận các gói mua sắm công. Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ có cơ hội nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chuyển giao công nghệ từ các đối tác EU-CPTPP thuận lợi hơn với giá hợp lý hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp nông nghiệp được hưởng môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục xuất – nhập khẩu thuận lợi, dịch vụ phục vụ sản xuất tốt hơn; kênh phân phối thuận lợi hơn.

Thách thức không nhỏ

Cùng với cơ hội, Việt Nam cũng sẽ gặp không ít thách thức từ thị trường khó tính EU, lớn nhất là sự gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm. Trong đó, các sản phẩm chăn nuôi sẽ phải chịu cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Nhiều sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài nhập khẩu với giá rẻ hơn sản phẩm trong nước sẽ khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng khó khăn. Đặc điểm ngành nông nghiệp Việt Nam là sản xuất quy mô nhỏ, manh mún và phân tán khiến cho năng lực sản xuất hạn chế, sức cạnh tranh thấp, không đảm bảo nguồn cung với số lượng lớn. Đây sẽ là một thách thức cho nông nghiệp Việt Nam khi các hiệp định TMTD có hiệu lực.

wugz_12b
Mặt hàng gạo được hưởng lợi nhiều nhất khi thuế suất hạ xuống 0% ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 14-1-2019. Ảnh: Bích Nguyên

Để được hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hóa của Việt Nam sẽ phải vượt qua hàng rào quy định SPS/TBT, hay quy định về truy suất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn. Việt Nam cũng sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin. Thậm chí hàng hóa của Việt Nam có thể bị từ chối cho nhập khẩu vào thị trường EU, nếu họ phát hiện có sử dụng lao động trẻ em. 

Bà Trang nhấn mạnh, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng (đối với nông sản nhập khẩu nguyên liệu về chế biến). Cam kết FTA không liên quan tới “Giấy phép/Visa nhập khẩu” cho từng loại hàng hóa. Cam kết FTA không giúp gỡ bỏ hay giảm bớt các TBT, SPS. Nhập khẩu sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh trước nông sản từ EU-CPTPP trên thị trường Việt Nam.

Có thể thấy, khi tham gia các hiệp định TMTD, không phải tất cả đều là bức tranh màu hồng mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, những thách thức này chính là động lực để ngành nông nghiệp phát triển, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Ngọc Lan

Bình luận

ZALO