Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 02:12 GMT+7

Đồng hành với đồng bào nơi biên giới xứ Thanh

Biên phòng - Để góp phần củng cố, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, thời gian qua, nhiều cán bộ BĐBP Thanh Hóa được điều động về làm cán bộ tăng cường cho các xã biên giới khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã. Với nhiều việc làm cụ thể, các cán bộ Biên phòng tăng cường xã đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, tham mưu, đóng góp thiết thực cho địa phương trong nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương. Từ đó, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Trung tá Lò Văn Cần (ngoài cùng, bên trái) hướng dẫn người dân chăm sóc cây vầu đắng. Ảnh: Lê Đình Tiến

Thực tế cho thấy, việc đưa cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng và trúng. Minh chứng cho nhận định này là nhờ những tham mưu kịp thời, đúng đắn của cán bộ tăng cường mà đời sống của đồng bào ở nhiều xã biên giới khó khăn của tỉnh Thanh Hóa đã từng bước được nâng lên rõ rệt.

Yên Khương là xã biên giới khó khăn của huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa với hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, dân tộc Thái chiếm 98%. Trước đây, tỉ lệ hộ nghèo chiếm tới gần 57%, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều là những rào cản kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội của Yên Khương.

Cho tôi xem quyết định điều động cán bộ, Trung tá Lò Văn Cần, Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương chia sẻ rằng: “Tôi còn nhớ mãi ngày 17/12/2018, khi tôi đang công tác tại Đồn Biên phòng Yên Khương, BĐBP Thanh Hóa thì được điều động về địa phương, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương. Được sự tin tưởng của Đảng bộ và nhân dân xã Yên Khương là điều thuận lợi nhất trong quá trình công tác của tôi. Trên cương vị mới, tôi có nhiều trăn trở trước cuộc sống còn nhiều gian khó của nhân dân trên địa bàn”.

Những trăn trở của Trung tá Lò Văn Cần cũng chính là những vướng mắc của chính quyền và nhân dân nơi đây. Đó là, làm sao để nhân dân từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, biết phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó, nâng cao đời sống vật chất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Là người dân tộc Thái, Trung tá Lò Văn Cần am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây. Nghĩ là làm, anh bắt tay ngay vào công việc, cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương nhanh chóng khảo sát địa bàn, đến từng gia đình, từng thôn, bản để nắm tình hình.

Nhận thấy bà con chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp, đồng thời, giống cây trồng của bà con chưa mang lại năng suất cao, Trung tá Lò Văn Cần nung nấu suy nghĩ thay đổi thói quen canh tác của bà con bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế và thay đổi giống cây trồng cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.

Từ thực tiễn công tác, cùng với kiến thức tự mày mò, học tập, nghiên cứu, Trung tá Lò Văn Cần nhận thấy, khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Yên Khương tương đồng với huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi anh sinh thành. Đồng bào huyện Quan Sơn hiện trồng cây vầu đắng cho hiệu quả kinh tế cao. Anh đã mạnh dạn tham mưu cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Yên Khương phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây vầu đắng.

“Cách vận động bà con hiệu quả nhất là mình phải xắn tay vào làm trước. Khi thấy được hiệu quả thì bà con sẽ làm theo” - Trung tá Lò Văn Cần chia sẻ. Thế là hàng vạn cây vầu đắng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương trồng dọc tuyến đường tuần tra biên giới và các khu đất trống, đồi trọc. Nhìn những hàng cây vầu đắng lớn nhanh xanh mướt và cho thu hoạch sớm, nhiều bà con đã nhanh chóng học theo cán bộ Biên phòng.

Chia sẻ về điều này, Trung tá Lò Văn Cần không giấu nổi niềm phấn khởi, anh cho biết: “Cây vầu đắng cho thu hoạch quanh năm, năng suất hơn trồng sắn, khoai rất nhiều. Hiện nay, diện tích vầu đắng toàn xã Yên Khương đã được mở rộng hơn 400ha với sự tham gia của nhân dân 9/9 thôn trong xã và thu được kết quả tốt. Mỗi ha trồng vầu đắng khi thu hoạch sẽ thu về 40-50 triệu đồng”. Từ kết quả đó, có thể thấy, mô hình trồng cây vầu đắng tại xã Yên Khương đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho nhân dân Yên Khương, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 15%.

Bên cạnh đó, Trung tá Lò Văn Cần tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình khác như mô hình nuôi vịt giống, trồng nấm bào ngư… Theo Trung tá Lò Văn Cần, ngoài mô hình trồng cây vầu đắng, thời gian tới, anh cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con trồng cây dược liệu, cây gai xanh, từ đó, tạo hướng đi mới cho địa phương.

Không chỉ tuyên truyền, vận động, giúp nhân dân phát triển các mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hằng năm, Trung tá Lò Văn Cần còn trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy xã Yên Khương ra nghị quyết về công tác quân sự, quốc phòng, an ninh; đề xuất, tham mưu nhiều giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền xã biên giới Yên Khương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Bên cạnh việc phát triển đội ngũ đảng viên, anh thường xuyên giúp đỡ các chi bộ củng cố nền nếp, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ thôn, bản.

Trung tá Lò Văn Cần là một trong 17 cán bộ Biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới khó khăn của BĐBP Thanh Hóa. Toàn tỉnh Thanh Hóa có 17 xã biên giới thuộc 5 huyện tiếp giáp với nước bạn Lào, trong đó, nhiều xã có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại… Các xã khu vực biên giới có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, phần lớn đồng bào là người dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đầu tư quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế, song các xã biên giới này vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; nhiều thôn, bản chưa có tổ chức Đảng và đảng viên nên vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng ở các xã biên giới còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tháng 6/2006, Thường vụ Đảng ủy BĐBP Thanh Hóa đã ra nghị quyết chuyên đề, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cũng như có kiến thức về công tác Đảng, công tác chính trị để tăng cường cho các xã biên giới.

Đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, xây dựng hàng trăm tổ, đội tự quản, các tiểu đội, trung đội dân quân tự vệ. Tại đây, các cán bộ BĐBP đã tham mưu cho chính quyền địa phương đẩy mạnh việc phát triển đảng viên, xóa thôn, bản “trắng” đảng viên.

Từ năm 1999 đến nay, tại 17 xã biên giới của tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức Đảng tại địa phương đã kết nạp được 1.100 đảng viên; thành lập 87 chi bộ cơ sở và hơn 1.200 lượt quần chúng ưu tú được bồi dưỡng, tham gia lớp học cảm tình Đảng. Các cán bộ BĐBP được tăng cường về xã, thôn, bản phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hơn 5.200 người dân đăng ký tự quản đường biên, cột mốc, đảm bảo an ninh biên giới và trật tự, an toàn xã hội, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, di cư tự do, buôn bán ma túy, truyền đạo trái pháp luật...

Thùy Trang

Bình luận

ZALO