Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 10:47 GMT+7

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” - Kết quả sau một năm nhìn lại

Biên phòng - Sau một năm, Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp phát động Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đã có 110 xã biên giới khó khăn thuộc 61 tỉnh, thành biên giới, hải đảo được các đơn vị nhận hỗ trợ. Tổng mức kinh phí huy động được trên 37 tỉ đồng, trong đó, nguồn lực dành tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế khoảng 40%, hỗ trợ xây mái ấm tình thương là 30%, còn lại là các hoạt động an sinh xã hội khác. Đó là những con số có ý nghĩa rất lớn, góp phần đưa phụ nữ vùng khó từng bước vươn lên, làm chủ cuộc sống của chính mình.

us9i_10b
Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP và lãnh đạo các đơn vị trao tặng “Mái ấm tình thương” cho gia đình chị Rơ Ma Che, ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Đức Thắng

Đa dạng hoạt động đồng hành

Theo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trên cơ sở trực tiếp khảo sát khó khăn, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên, phụ nữ tại các địa bàn biên giới, các cấp Hội ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động đồng hành, hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương. Cụ thể là, các cấp Hội và BĐBP tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế mang tính lâu dài như xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ công cụ sản xuất, cây trồng, vật nuôi, phân bón, con giống, vay vốn cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các công trình dân sinh phục vụ đời sống của hội viên, phụ nữ biên giới...

Phải kể đến là mô hình Tổ hợp tác sản xuất nấm sạch của tỉnh Quảng Bình; Tổ liên kết phụ nữ trồng sắn cao sản của tỉnh Kon Tum; 2 mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi lợn lai trắng kinh tế của tỉnh Cao Bằng; Mạng lưới Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao 10 con bò giống, 30 con lợn giống và 38 máy thái cỏ; Đắk Lắk trao vốn khởi nghiệp kinh doanh cho 12 hộ phụ nữ làm chủ ở các xã biên giới với 225 triệu đồng... Thêm vào đó, hội viên các cấp Hội cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn trực tiếp hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao khoa học - công nghệ cho người dân tại địa phương tự thực hành.

Để đảm bảo mục tiêu, tính bền vững của chương trình thì việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ các xã biên giới khó khăn theo hướng trao cho người dân chiếc “cần câu”, hướng dẫn họ cách để “câu” hiệu quả là hướng đi đúng của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, nhằm phát huy nội lực, chủ động vượt khó đi lên của hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên giới.

Bên cạnh việc chuyển giao khoa học - công nghệ, tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” còn ưu tiên tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ Hội cơ sở, truyền thông, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống đã được đông đảo hội viên, phụ nữ quan tâm như: Di cư lao động an toàn; cách tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới; phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống mua bán người, ma túy; bạo lực gia đình, kỹ thuật sản xuất kinh doanh... Những địa phương làm tốt Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là: Cao Bằng, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Tây Ninh, Quảng Trị, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Linh hoạt trong huy động nguồn lực xã hội hóa

Để có nguồn lực xây dựng sinh kế và tổ chức các hoạt động đồng hành, hỗ trợ cùng phụ nữ biên cương, ngay từ khi phát khởi động chương trình, Bộ Tư lệnh BĐBP và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội hóa. Bằng nhiều hình thức, 2 đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng nhắn tin ủng hộ chương trình qua đầu số 1409. Kết quả, đã có hơn 71.000 tin nhắn, với tổng số tiền hơn 1,4 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, để tập trung nguồn lực, các đơn vị BĐBP và các cấp Hội đã báo cáo, xin chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa của các cấp ủy, chính quyền địa phương; vận động doanh nghiệp, tổ chức xã hội, mạnh thường quân hỗ trợ bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm, thuốc y tế... Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành triển khai hoạt động có thu, gây quỹ để huy động nguồn lực triển khai chương trình hiệu quả, như Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Đà Nẵng... Ở mỗi đồn Biên phòng lại có nhiều cách triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” khác nhau như lồng ghép với các hoạt động giúp dân của đơn vị.

m4uw_10a
Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Hồ Chí Minh trao tặng phương tiện sinh kế cho người nghèo ở khu vực biên giới tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Đức Thắng

Nhìn lại 1 năm triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các đơn vị BĐBP và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp đã chủ động, phối hợp vận động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân đóng góp, ủng hộ đồng hành, tổng nguồn lực huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn đến nay được trên 37 tỉ đồng.

Trong đó, đã triển khai được 5/14 mô hình sinh kế, mỗi mô hình 100 triệu đồng tại các xã biên giới của các tỉnh Tây Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, tổng trị giá 500 triệu đồng; hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ thoát nghèo phát triển chăn nuôi tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây Ninh, với số tiền 1,62 tỉ đồng; trao tặng 139 con bò giống, tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng; xây tặng 439 nhà “Mái ấm tình thương”, tổng trị giá hơn 16 tỉ đồng và 155 công trình vệ sinh, tổng trị giá 775 triệu đồng; tỉnh Đồng Tháp vận động xây 1 công trình nước sạch trị giá 1 tỉ đồng và 1 công trình cầu nông thôn trị giá 1,4 tỉ đồng.

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là một hướng đi mới trong vấn đề phát triển bền vững tại các vùng miền núi, vùng khó khăn. Đúng như khẳng định của đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, tại Lễ ra quân Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được tổ chức tại Lạng Sơn, ngày 7-3-2018: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương là chương trình rất thiết thực nhằm huy động sức mạnh của các cấp Hội Phụ nữ cùng với BĐBP chung tay hướng về các xã biên giới, hải đảo, đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn để góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh”.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO