Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 06:07 GMT+7

Đồng hành cùng người nhiễm HIV

Biên phòng - Ngày 30-1, Tổ chức Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) phối hợp cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Hướng tới Chương trình Phòng chống HIV/AIDS Bền vững (USAID SHIFT) tổ chức sự kiện “Hành trình truyền cảm hứng: Bảo hiểm y tế - Cánh tay nâng đỡ”.

5a71545a4557145e09004319
Hoa hậu H’Hen Niê (thứ hai từ phải sang) cùng tham gia tọa đàm với các khách mời tại sự kiện. Ảnh: Thanh Tùng

Đây là sự kiện ra mắt chính thức một chiến dịch truyền thông về lợi ích của bảo hiểm y tế (BHYT) và nâng cao vai trò tích cực, chủ động của người nhiễm HIV (NCH) đối với việc tham gia và sử dụng BHYT trong khám bệnh và chữa bệnh HIV.

Tại sự kiện, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS mong muốn, cộng đồng người nhiễm HIV ở Việt Nam hãy chủ động hơn nữa, tích cực hơn nữa, vươn lên mạnh mẽ hơn nữa vì bản thân mỗi chúng ta và mỗi gia đình cũng như vì cộng đồng để không ai bị bỏ lại phía sau...

Việc điều trị HIV/AIDS là liên tục và suốt đời. Hiện chi phí thấp nhất cho thuốc ARV theo phác đồ bậc 1 khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người không kể các chi phí khác như khám và xét nghiệm. Đối với bệnh nhân kháng thuốc phải điều trị phác đồ bậc 2 thì chi phí điều trị tăng lên gấp 7-8 lần. Bên cạnh việc phải điều trị bằng ARV liên tục, người nhiễm HIV còn có tỷ lệ mắc một số bệnh khác cao hơn người bình thường nên cần được điều trị và chăm sóc toàn diện. Do vậy, thẻ bảo hiểm y tế rất có giá trị đối với người nhiễm HIV, nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để duy trì điều trị HIV/AIDS, trong khi phần lớn người nhiễm là người nghèo.

Từ trước đến nay, nguồn thuốc ARV được cung cấp miễn phí và chủ yếu từ nguồn viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và được củng cố, Việt nam xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, nguồn viện trợ cho nước ta bị cắt giảm mạnh vì các nhà tài trợ quốc tế chuyển sang viện trợ cho các nước nghèo và tình hình dịch HIV nghiêm trọng hơn. Do vậy Việt Nam đang chuyển đổi nguồn lực cho điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua BHYT để bù vào khoảng thiếu hụt do viện trợ quốc tế cắt giảm.

Thông qua các dự án, PEPFAR đang hỗ trợ chính phủ Việt Nam củng cố và mở rộng triển khai BHYT, như một chiến lược quan trọng nhất để duy trì bền vững chương trình điều trị ARV. Hiện tại, BHYT đang thanh toán các chi phí như phí khám bệnh, xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng cơ hội dành cho người bệnh HIV tại các cơ sở điều trị HIV đủ điều kiện, trong tương lai, bắt đầu từ tháng 1 năm 2019, BHYT sẽ mở rộng chi trả cho cả thuốc kháng virut ARV cho các bệnh nhân có thẻ BHYT.

Tại sự kiện, các đại biểu đã được thưởng thức một phim ngắn về “Hành trình truyền cảm hứng” đặc biệt với sự tham gia diễn xuất của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê. Trong phim ngắn này, H’Hen và 2 ca sĩ khác là Tuấn Tú và Nguyên Hy hóa thân thành người sống chung với HIV và phác họa hành trình vượt khó khăn để tiếp cận và sử dụng BHYT.

Trên hành trình này, họ đã phải nỗ lực để khắc phục các khó khăn liên quan đến giấy tờ tùy thân, đăng ký hộ gia đình, cũng như phải đối mặt với nỗi sợ về kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Các diễn viên đã khắc họa hình ảnh người nhiễm HIV từ những góc độ và số phận khác nhau trong cuộc sống (người mẹ đơn thân, anh tài xế xe ôm) luôn nỗ lực để duy trì điều trị thông qua BHYT. Đồng thời cũng tại chương trình, các đại biểu cũng được giao lưu, tọa đàm với Hoa hậu hoàn vũ và các khách mời đến từ cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS.

N.B

Bình luận

ZALO